Có hay không một nền kiến trúc Việt Nam đặc thù?
Sau lần viếng thăm Việt Nam gần đây, nhìn thấy một Việt Nam thay đổi ở nhiều mặt, nhất là mặt kiến trúc, tôi nhận ra kiến trúc quê hương tôi đang bước vào một khúc quanh lạ lẫm. Tôi đi từ Bắc chí Nam phát hiện nhiều căn nhà cao tầng sừng sững mọc lên, những cao ốc mỏng mảnh hình ống, đủ màu vui mắt chen chúc nhau gợi tôi nhớ những căn nhà technique color trong khu phố dành cho thế giới trẻ thơ ở Disneyland. Nhìn vào sự phát triển nhanh chóng của ngành xây dựng hiện nay, tôi vừa mừng vừa lo. Không biết sự tiến hoá này sẽ thay đổi bộ mặt kiến trúc Việt Nam từ thành thị tới nông thôn đến đâu? Không biết có ảnh hưởng trực tiếp đến các di sản quốc gia hay lịch sử vì tính hiện đại của nó không? Bản sắc dân tộc có là một định hướng chỉ nam trong các dự án kế hoạch xây dựng không? Năm 1989, Ông Sturgis có viết: “Để hiểu thấu nơi chốn chúng ta ở ngày nay, chúng ta cần biết rõ nơi ta ở trong quá khứ”. Tuy nhiên ước muốn bảo tồn lịch sử văn hoá và ước muốn phát triển, đổi mới, làm lại lịch sử đã làm chúng ta do dự. Không tăng trưởng, chúng ta sẽ vướng vào sự chậm tiến, trì trệ. Vì vậy chúng ta cần phải hiểu quá khứ trong khi theo đuổi sự tăng trưởng. Điều tối quan trọng là tôn trọng và bảo tồn những cái chúng ta có trong quá khứ. Tính “chuộng mới nới cũ” và “chạy cho kịp trào lưu” của người dân Việt hiện nay góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng nền một nền kiến trúc Việt Nam đặc thù hay lai căng. Chúng ta đừng nên rẻ rúng cái cũ hay xem thường kiến trúc của một đô thị hoặc nông thôn vì kiến trúc của nó thể hiện nền văn hoá đặc thù của dân tộc đó. Từ xưa, người Việt mình vì nghèo nên có thói quen khi xây nhà ít khi thuê kiến trúc sư vì sợ tốn tiền. Nhà cửa, cái thụt ra, cái thụt vào, rất mất trật tự. Khi xây thì lấn trước, lấn sau, lấn chỗ nào được thì cứ lấn, được tấc nào hay tấc ấy. Muốn xây nhà thì gọi nhà thầu xây dựng hoặc các ông thợ xây nhà đến và chủ nhà tự ra đồ án, thiết kế lấy kiểu nhà mình thích. Dở hơn thì bắt chước. Cứ qua hàng xóm, lượn một vòng tham quan, khi về là có một kiểu nhà bà phước đồng phục, khác nhau chỉ ở màu sơn. Muốn khác hơn thì thêm bông hoa, màu mè cho bắt mắt miễn sao nhà mới là tốt và có giá thôi. Ngày nay tuy luật lệ xây dựng chặt chẽ hơn, mọi công trình xây dựng đều phải do Bộ Xây dựng thông qua nhưng vì khe hở luật pháp quá lớn nên những vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng đã xảy ra khá nhiều, nảy sinh những căn nhà, toà nhà cao tầng xây dựng không đúng tiêu chuẩn méo mó, kỳ dị, lún, nứt chỉ sau một thời gian ngắn sau khi xây. Sự sai phạm không theo đúng các quy định pháp luật, lại thêm tham nhũng tạo ảnh hưởng trực tiếp các công trình thi công gây tác hại như làm lệch, lún, nứt đến nhà của cư dân quanh vùng. Đời sống sinh hoạt của khu dân cư cũng bị vạ lây: Không che chắn kỹ làm bụi bẩn, vật liệu rơi vãi xuống nhiều nhà dân; đập bể phốt nhưng không hút, khiến mùi hôi thối bốc ra xung quanh, gây ô nhiễm môi trường suốt mấy tháng trời. Người dân gửi đơn kêu cứu khắp các cơ quan chức năng trong tỉnh, mà sự việc trên vẫn chưa được giải quyết hoặc có giải quyết cũng không thoả đáng. Trước đây ý niệm văn hoá kiến trúc hầu như không có trong lòng người Việt. Có thể không ai thấy hoặc có lẽ không cần biết đến cái gì gọi là cấu trúc của một đô thị, một quốc gia. Tôi có hỏi ý kiến một vài người về việc này. Có người quan tâm thì bảo mình nghèo quá mà, một quốc gia nặng về nông nghiệp sau nhiều năm chiến tranh mới phát triển như ta thì bàn chi đến việc văn hoá kiến trúc cao xa đó. Gia tài của mẹ để lại sau chiến tranh là một nước Việt buồn. Bom đạn, tan hoang tàn phá khắp nơi, giờ thanh bình chỉ mong có cái nhà gạch để ở là may rồi, nói chi đến văn hoá kiến trúc. Người ta bảo, nước mình tự do thế mà còn phàn nàn chi nữa, muốn xây thế nào thì xây, kích thước tiêu chuẩn không bị bó buộc, không ai bắt chữa đi, sửa lại. Chả bù, ở Mỹ muốn xây cái gì cũng phải có kỹ sư thành phố xuống kiểm soát, bắt chỉnh đi chỉnh lại cho đúng tiểu chuẩn, xây cái nhà mãi không xong. Khu nào dành cho nhà tư, không cho xây xí nghiệp, nhìn mãi một khuôn mẫu đến là đơn điệu. Khu thương mại thì chỉ có cửa hàng buôn bán không cho ở, trong khi bên ta dưới nhà thường là buôn bán, trên thì xây lầu để ở. Xây thêm cái phòng cũng phải xin phép, sửa lại cái nhà xe làm phòng cho thuê cũng không cho. Ở Việt Nam thế mà sướng, cái gì khó khăn mấy rồi cũng xong. Thủ tục “đầu tiên” qua rồi thì căn nhà có méo mó hay sai luật đến mấy cũng được thông qua. Kẻ góp ý, tự do là một chuyện, qui luật là chuyện khác. Ta thử nhìn một trang giấy với những dòng chữ đẹp đẽ, ngay ngắn, theo hàng thẳng lối. Nơi nào chữ hoa thì viết hoa, nơi nào xuống dòng thì phải xuống dòng, có đẹp đẽ hơn một trang giấy lổn ngổn chữ, thụt ra thụt vào, chữ to lấn chữ nhỏ, chồng chéo lên nhau. Luật lệ ràng buộc nhiều điều nhưng thiếu chúng mọi sự sẽ loạn. Một đô thị kiến trúc mới, có những luật bảo toàn an sinh rất có lợi cho người dân. Chẳng hạn ở Mỹ mỗi con đường đều có nơi đặt vòi nước cứu hỏa, để phòng khi hoả hoạn có nước mà chữa cháy. Việt Nam có những nơi nhà cửa san sát, ngõ ngách chật hẹp khi bà hỏa tới viếng, người dân không chỗ chen chân để chạy, nói gì đến chỗ cho xe vòi rồng vào cứu hoả. Nói chuyện mình rồi lại nghĩ tới người. Thái có những đền đài cung điện với kiến trúc chùa tháp và những mái cong là đặc thù của nền văn minh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Pháp, Anh, Ý, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha trong những kiến trúc nghệ thuật Roman, sắc nét nhất là các ngôi nhà thờ cổ, toà thánh, trần cao ngất (Sistine Chapel). Các công trình kiến trúc nhà cao tầng, tầng nối tầng, nhà nối nhà, kiên cố ở Ý đã vang danh đế quốc La Mã một thời. Nhữ ng tác phẩm xây dựng lẫy lừng của Brunelleschi, Ghiberti làm lóng lánh các kiến trúc Phục Hưng, Gothic và Baroque. Trung Quốc sắc nét Đông Á trong kiến trúc “Tử cấm thành” nhìn vào ai cũng nhận ra nó là của Trung Hoa. Khi tới Dali, tức nước Đại Lý xưa, du khách chợt sững sờ với một khu phố kiến trúc thật đặc biệt của những căn nhà mái cong sơn trắng trang nhã điểm hoa văn hay tranh vẽ sơn thủy khắp nơi, trong cũng như ngoài nhà. Người dân Đại Lý dành riêng khu phố cổ cho du khách, còn chính họ, họ dời ra nơi khác xây dựng một khu phố mới tân tiến hơn. Hàng năm rất nhiều du khách, phần lớn từ Âu châu ghé thăm Dali, Trung Quốc để tìm hiểu thêm về một nền văn hoá lạ do sự kết hợp của những bộ tộc thiểu số. Họ còn tận hưởng được khí hậu cao nguyên mát mẻ trong lành và thưởng thức những kiến trúc trang nhã hài hoà sạch và đẹp cho giờ phút thư dãn của một chuyến nghỉ hè lý thú. Nét đặc thù của kiến trúc là một yếu tố quan trọng để lôi cuốn và mê hoặc du khách khắp nơi. Nhìn lại văn hoá kiến trúc của ta, tôi bỗng tự hỏi: Chúng ta có một kiến trúc Việt Nam đặc thù hay không? Kiến trúc một quốc gia bao gồm kiến trúc đô thị và kiến trúc nông thôn. Nhắc đến kiến trúc nông thôn chúng ta chợt thấy gần gũi hơn với cội nguồn, cái cũ và truyền thống vì những gì mới mẻ tân tiến thường xảy ra nơi đô thị là chốn phồn hoa. Từ xa xưa, kiến trúc nông thôn đi đôi với kiến trúc dân gian là cơ cấu không gian của những đơn vị làng, xã. Đơn vị nhỏ của làng gồm cổng làng, nhà ở, lũy tre bao bọc, nghĩa địa, đình, chùa, chợ búa... Đơn vị nhỏ nhất là nhà, hạt nhân cơ bản của một xã hội. Kiến trúc cổ truyền Việt Nam đa phần sử dụng kết cấu khung gỗ như nhà gỗ truyền thống Việt Nam, gồm các vật liệu bổ trợ như gạch, đá, ngói, đất, rơm, tre... Trong thể loại kiến trúc này, thực sự không có sự khác biệt hoặc phân chia nhiều về kết cấu. Dựa trên vật liệu và đặc điểm cũng như tính chất của hệ kết cấu, trong kiến trúc cổ truyền Việt Nam không thực sự tồn tại các công trình có kích thước lớn như ở các quốc gia khác. Những ngôi nhà truyền thống của một vài làng cổ ở miền Bắc còn sót lại đến nay, cho thấy chúng ta có một kiểu mẫu kiến trúc nông thôn căn bản, giản dị, với những mái tranh hoặc một tầng mái dốc. Các ngôi chùa cổ cũng có mái cong, dốc, tầng thấp khiến người muốn vào phải cúi gập người để vào. Theo lời giải thích của một nhà tu, mục đích của lối kiến trúc này giúp con người bớt ngạo mạn, bỏ đi cái tôi, bản ngã to lớn của mình. Có giàu sang, đức độ, tiếng tăm, lẫy lừng đến đâu vào chùa cũng phải cúi xuống mà vào. Các kiểu nhà miền Bắc thời ấy thường là: Nhà chữ nhị là hai nhà sóng đôi; Nhà chữ công: trước sau hai nhà song có mái hiên nối; Nhà chữ môn: nhà chính và hai nhà phụ hai bên vuông góc với nhà chính. Miền Trung và miền Nam cũng có cấu trúc nhà ba gian, và hai chái phụ ở hai đầu nhà sẽ là hướng Đông Tây chống hơi nóng mặt trời sáng và chiều. Gian chính làm nhà thờ hay tiếp khách còn hai gian kia để ở và lo việc bếp núc. Vật liệu xây dựng thì cũng ít có tính cách lâu dài, chỉ trừ các công trình công cộng: gạch, đá, gỗ quý (thiết mộc)... mà đa số dùng các vật liệu địa phương sẵn có như lá, tranh, tre, gỗ đẽo, đá kê nền cột, đất sét nung hoặc không nung, bùn trộn rơm. Hướng nhà cũng được chọn, thường hướng Nam, để đón gió cho phù hợp với khí hậu nhiệt đới nóng, ẩm. Vật lý kiến trúc: thông gió tự nhiên, tường và mái nhà thường trùm kín nhà do mưa rất nhiều, hơn nữa cửa đi và cửa sổ mở rất ít do an ninh ngừa trộm cắp nên chiếu sáng tự nhiên rất tối và kém sáng sủa. Nơi nào gần sông chúng ta có nhà sàn là những căn nhà cao lêu khêu có chân, cọc đóng dưới nước. Dân tộc thiểu số miền núi cũng ở nhà sàn cao để tránh thú dữ. Sau này khi đi qua các vùng có nhiều đồng bào Thượng ở Đà Lạt, tôi không còn nhìn thấy những căn nhà sàn ấy nữa, hoặc có còn thì rất ít, rải rác vài nơi hẻo lánh. Chính phủ với các công trình quy hoạch xây dựng đã thay thế chúng bằng những khu nhà chung cư, hình ống với tháp tròn hay nhọn cho họ ở. Tiếc quá, theo tôi những ngôi nhà sàn ấy là nét đặc thù của đồng bào dân tộc.
Cây cầu tre
Tôi còn thấy các cây cầu khỉ, cầu tre, cầu ván là nét đặc thù của dân tộc miền Nam Việt Nam. Những cây cầu dễ làm, khó đi, lắt lẻo, đầy tình tự dân tộc réo rắt trong điệu hò, ca dao Việt Nam. “Ví dầu cầu ván đóng đinh - Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi”. Bây giờ những cây cầu khó đi kia dần dần được thay thế bằng những cây cầu đúc rất tiện cho việc đi lại nhưng tiếng hò ru con “cầu tre lắt lẻo” vẫn còn ầu ơ vang vọng nhắc nhớ người người chiếc cầu tre mẹ đi ngày nào dẫn con qua vạn nẻo đường đời trắc trở. Kiến trúc đô thị: Trong lịch sử của bề dày hàng nghìn năm, kiến trúc Hà Nội xưa tức Thăng Long thành đã sớm có sự giao thoa với kiến trúc Chăm Pa (một nền văn hoá có ảnh hưởng sâu rộng của văn hoá Ấn Độ) như trong bài viết của Đoàn Minh Châu về Hà Nội: “Sự hoà quyện giữa văn hoá Việt - Chăm trên đất kinh thành tạo ra một nét đặc sắc riêng, trở thành một thành tố cấu thành nghệ thuật điêu khắc – kiến trúc Thăng Long. Điều đó còn thấy rõ ở khá nhiều công trình văn hoá. Sử sách còn ghi dấu một kiến trúc rất Chăm Pa, tháp Báo Thiên nằm bên hồ Lục Thuỷ ( phần còn lại chính là Hồ Gươm hiện nay), ở vào vị trí khu vực chùa Bà Đá - Nhà thờ lớn hiện nay và hồi đó được ca ngợi như “cột chống trời, cao chót vót hơn 4 chục trượng, 12 tầng, do vua Lý sai tù binh chiếm thành (Chăm Pa) xây” (Sách An Nam chí lược của Lê Trắc viết năm 1333). Kiểu kiến trúc như tháp Báo Thiên có thể coi là đặc trưng kiến trúc thời kỳ đầu dựng thành Thăng Long, sau đó đã xuất hiện rất nhiều bên cạnh những ngôi chùa cổ kính mang đậm sắc thái Việt ở nhiều làng quê Bắc bộ như một phần không thể thiếu của nét văn hoá Kinh Kỳ. Nhiều sắc thái của văn hoá Chăm Pa khác còn được lưu giữ ở nhiều di tích như chùa Châu Lâm tức chùa Bà Banh - Bà Đanh, quãng trường Bưởi (Chu Văn An), rồi chùa ‘Bà Già’ ở Phú Xá, Chùa Tứ Liên (cũng đều quanh Hồ Tây), đặc biệt là đã đi vào tấm bia chạm ‘Bà Banh’ trần trụi, rất Chăm còn đọng lại ở nhiều giai thoại văn học.” (Đoàn Minh Châu, “Bản lĩnh văn hoá của Hà Nội nghìn năm”) Ngoài nét lai Chăm Pa, chúng ta thấy nhiều kiểu thức, sắc thái kiến trúc cơ bản của Việt Nam bị ảnh hưởng mỹ thuật kiến trúc Trung Quốc qua những công trình điêu khắc và kiến trúc còn sót lại. Điển hình là Văn Miếu, Đền thờ Vua Hùng, Vua Đinh Tiên Hoàng ở miền Bắc. Người Hoa dùng màu vàng và đỏ tối đa trong các kiến trúc cung điện hay chùa đình, Tử cấm thành là một thí dụ. Kinh đô Huế với Đại Nội và các lăng vua qua các triều đại nhà Nguyễn, tiết lộ ảnh hưởng kiểu thức đền đài cung điện Trung Quốc thời Mãn Thanh với nhiều sắc đỏ, vàng đậm đặc. Các lăng tẩm Thiệu Trị, Minh Mạng, Tự Đức (ngoại trừ lăng Khải Định có thêm nét đặc biệt khảm trai và đồ sứ lai Pháp) rập khuôn cấu trúc Tử Cấm Thành và những biểu trưng quyền lực tối thượng của Hoàng gia là rồng, cùng tứ quý lân, ly, quy, phượng. Hàn quốc cũng có kiến thiết cung điện giống Trung Quốc, nhưng họ dùng màu sắc khác biệt để tạo nét đặc thù riêng. Kỹ thuật trang trí cung điện Hàn Quốc này gọi là Dancheong tức là Đan Thanh (đỏ xanh) hay Âm Dương theo nguyên tắc ngũ hành. Năm màu chủ lực được dùng là: Trắng, đen, vàng, đỏ và xanh. Màu xanh lá cây nhẹ và cam được dùng nhiều hơn, tạo một phong thái nhẹ nhàng, thanh nhã biện biệt. Nhìn vào mát mắt chứ không chói lọi như hai màu vàng và đỏ. Biểu tượng tối cao của Hoàng gia Hàn Quốc là mặt trăng và phượng hoàng nên các nét chạm trổ và huy hiệu điêu khắc trên trần nhà các nơi mang hình hai vậy quý này.
Mái nhà cổ nước Đại Lý
Mái chùa cổ Kim Liên - Hà Nội
Nếu để ý kỹ ta có thể phân rõ sự khác biệt giữa kiến trúc lăng tẩm, chùa chiền thời Lý trở về trước và các lăng tẩm chùa chiền ở Huế từ thời Gia Long trở về sau. Những kiến trúc xưa như Chùa Một cột, chùa Kim Liên, Hà Nội có góc mái cong khác với các mái cong lăng tẩm chùa chiền Huế. Nó cong vút và thon thả giông giống kiến trúc các góc mái những ngôi nhà cổ ở Dali (nước Đại Lý xưa), Trung Quốc. Điều này nếu có thể sẽ dẫn ra đầu mối cho một giả thuyết mới đây nói về nguồn gốc tộc Việt ngày xưa bắt đầu xuất phát từ các bộ tộc ở nước Đại Lý, Vân Nam tuốt bên Tàu. Các góc mái lăng tẩm triều Nguyễn giống Tử cấm thành nhiều hơn. Vua Gia Long có lẽ ưa chuộng triều Mãn Thanh nên ông bắt chước từ kiến trúc đền đài cho đến luật lệ. Ông đã bỏ cái hay của bộ luật Hồng Đức nhà Lê rất giá trị, tiến bộ và đầy tính nhân bản để ban hành bộ luật Hoàng Việt Luật Lệ dựa theo luật lệ xưa cũ của nhà Mãn Thanh. Khu phố cổ Hà Nội còn là một quần thể kiến trúc tượng trưng cho kiến trúc đô thị xưa. Nét độc đáo mang nặng bản sắc dân tộc Việt là cấu trúc 36 phố phường phân rõ theo sản phẩm thủ công dân cư truyền thống. Những phố Hàng Bạc, Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Mã... là những ngôi nhà cổ được xây gạch, lợp ngói. Sau này bên cạnh những mái ngói có những gờ đấu, bờ nóc giật tam cấp lại xuất hiện các ngôi nhà có mặt tiền làm theo kiểu cách Âu châu ghi dấu một thời kỳ kiến trúc thuộc địa. Sự tiến hóa kiến trúc đô thị của Việt Nam có nhiều nét lai Pháp từ Bắc vào Nam là những: Nhà hát lớn Hà Nội, Toà nhà của trường đại học Đông Dương (nay là trường Đại học Quốc gia Hà Nội), Viện Viễn đông Bác cổ (nay là Viện Bảo tàng Lịch sử), Bộ Ngoại giao, Phủ Toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch), Thư viện Quốc gia, Nhà thờ Đức Bà, Dinh Bảo Đại, trường học Trần Phú, Lycée Yersin, Marie Curie... Thể loại kiến trúc này được du nhập từ các nước phương Tây, cùng với sự xuất hiện của người Pháp tại Việt Nam vào cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20. Loại hình kiến trúc này phát triển song song với quá trình khai thác thuộc địa của người Pháp. Ngày nay, song song với việc mở cửa hội nhập với quốc tế bằng nền kinh tế thị trường, nhiều luồng kiến trúc khác nhau cũng hồ hởi du nhập vào nước. Kiến trúc sư Việt Nam đang lần tìm một con đường riêng và cố hình thành một khuynh hướng kiến trúc mới. Do đó đã nảy sinh một trào lưu mới vừa muốn theo phong cách hiện đại với đặc điểm cấu trúc mỹ thuật nước ngoài vừa muốn phù hợp với diện tích đất đai ít ỏi nhỏ hẹp của thành thị. Hậu quả sự lai tạp và sao chép kiểu thức ngoại quốc này khiến nền kiến trúc văn hoá xây dụng nước nhà trở nên hỗn loạn. Những ngôi nhà siêu mỏng, siêu siêu mỏng mà người ta gọi là những ngôi nhà “kỳ dị” ở thành phố Hà Nội đã mọc lên làm rối mắt dân Hà Thành. “Đó là những ngôi nhà mà bề dày chỉ dưới 1m. Nhà siêu mỏng rất đa dạng về kiểu dáng. Từ hình tam giác, hình vuông, hình ống, hình lục giác... thậm chí là những hình thù kỳ quái mà trong từ điển hình học không có từ để diễn tả. Bộ mặt đô thị cũng vì thế mà trở nên méo mó, dị dạng.” (Trích Việt NamNet, “Vì sao Hà Nội vẫn tồn tại nhà siêu mỏng”) Gần đây nhất, khi đi từ Bắc chí Nam, tôi bắt gặp nhiều nhà cao tầng hình ống liên kế, nền bê tông, mái nhọn hoặc hình tháp tròn, màu sắc có khi tương phản, chói lọi, mặt tiền trên cao lại điểm thêm những bông trang trí giống Mã Lai hoặc Thái Lan gì đó làm tôi có cảm tưởng sự lai tạp trong kiến trúc làm bay mất tất cả nét đặc thù nếu có của nền kiến trúc Việt Nam. Đây là ý kiến của Nguyễn Bỉnh Quân trong một bài viết “Nhà ống – ‘thất bại hoành tráng’ của đô thị mới”: “Đùng một cái với 20 năm kinh tế thị trường, nhà ống bùng phát như một đại dịch. Có nhẽ tới 60-70% dân đô thị ở nhà ống. Chẳng ai hiểu tại sao. Nền cứ bán 4/16-20m và thế là câu hỏi tại sao kia trở nên ngớ ngẩn. Nước ta là một kình ngư khổng lồ đang ra biển lớn, doạ sẽ hoá rồng. Đường sá mọc ra hàng ngày. Nếu đường là bộ xương của đất nước với hàng vạn nhánh thì hàng triệu triệu ngôi nhà ống hai bên là triệu triệu gai đôi hành khổ cơ thể kinh tế và dân sinh. Ai bắt ta phải thế? Một nhà sử học hỏi: Sao giữa đồi, ngoài cánh đồng cũng nhà ống hả ông? Bêtông hoá đường nông thôn cũng sinh ra nhà ống luôn! Khu công nghiệp mở tới đâu nhà ống vây xung quanh lập tức. Thị trấn, thị xã đều nhất loạt ống hoá cả. Anh nào nghĩ ra cái nền 4/16-20m đáng gọi là sư tổ của nền kiến trúc "manh mún" của Việt Nam. Thế hệ đầu ra phố cứ mặc nhiên coi nhà ống là cách ở bắt buộc. Các phòng thẳng một hàng; xe máy có thể phóng qua; gió lùa một lối; ánh sáng hai đầu, ở giữa tối om. Chả thấy có gì là bất tiện cả! Nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư ngồi xe với tôi ở Vũng Tàu reo lên: Đây có một blốc nhà liên kế kìa! Các blốc nhà liên kế được kiến trúc sư thiết kế đàng hoàng, trệt là các cửa hàng, khu công cộng, dịch vụ, các lầu là các văn phòng, căn hộ tiện nghi. Cứ vài blốc đến một ngã tư ngăn nắp. Hẻm, ngách chỉ hãn hữu. Đó là dạng nhà thông thường của các đô thị. Hiệu quả thu thuế, kinh doanh và sinh sống văn minh cao gấp hàng chục, hàng trăm lần nhà ống. Thế mà ở ta nó lại là sự lạ thì có phải ta đang làm chuyện ngược đời không!”
Nhà cao tầng hình ống liên kế Nhà hình ống
Cấu trúc nhà ống tăng trưởng, ngôn ngữ cũng nảy sinh từ mới gọi là "Bệnh nhà kín" hay hội chứng nhà cao tầng hoặc hội chứng đau yếu do nhà ở. Bệnh này không có gì lạ với những người sống và làm việc trong các tòa cao ốc... Triệu chứng bệnh là: Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, nặng đầu, chóng mặt, buồn nôn, khó tập trung, mũi bị kích thích, khô họng, da mặt khô, ngứa, nóng, căng hoặc đỏ... Tuy kiến trúc nhà cao tầng hình ống có nhiều người phản đối nhưng nó vẫn mọc lên khắp nơi nơi, một độc giả phản ứng trong mục bạn đọc viết của trang mạng VietNamNet: “Tôi đề nghị, cần có một điều khoản trong Luật Xây dựng như sau: Không xây nhà hình ống trong đô thị mới, trong khu qui hoạch mới và cấm xây nhà cao gấp ba lần bề ngang hẹp nhất của mảnh đất xây dựng (trừ các cao ốc, chung cư…). Ví dụ: nếu mảnh đất có bề ngang hẹp nhất là 5 m thì chiều cao tối đa của toà nhà là 15m (tức chỉ được 4 tầng, không tính tầng hầm). Còn nếu bề ngang hẹp nhất là 10m, chiều cao tòa nhà cao nhất sẽ là 30m (8 tầng). Và, như vậy đô thị mới ở Việt Nam sẽ ‘không bao giờ có các tòa nhà dị dạng, khu phố trăm hoa đua nở’ nhếch nhác, ‘cò con’ mà sẽ có một diện mạo hiện đại, văn minh. Mạo muội vài ý kiến, xin chân thành cảm ơn!” (Trần Văn Luyến, “Có nên phân lô xây nhà hình ống?”) Trong cuộc trò chuyện với tờ Dân trí về kiến trúc - quy hoạch của Thủ đô Hà Nội và về thế hệ kiến trúc sư trẻ hiện nay, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào - một giảng viên đại học, một vị Chủ tịch HĐQT của một văn phòng kiến trúc sư tâm sự: “Một thành phố muốn tốt, đẹp, trước hết quy hoạch phải tốt, trong khi quy hoạch hiện tại của ta hết sức lộn xộn, cấu trúc của đô thị không mạch lạc. Người ta vẫn nói không hiểu kiến trúc Hà Nội là kiến trúc gì, như một nồi lẩu thập cẩm.” Như chúng ta đã thấy tầm quan trọng trong sự tiến hoá kiến trúc của một quốc gia rất lớn. Những công trình kiến trúc phản ánh nếp sống, văn hóa cũng như bản sắc truyền thống của một dân tộc. Thời gian, con người, có mai một nhưng những cơ cấu kiến trúc qua nhiều thế hệ vẫn có thể còn tồn tại đâu đó để đánh dấu cho những biến đổi hay các dấu mốc lịch sử của một dân tộc. Sự hiện diện của kiến trúc đô thị hình ống chúng ta thấy bây giờ sẽ còn lưu dấu đến 20, 30, 100 năm sau như một bằng chứng hiển hiện cho một cơn shốc kiến trúc thời kinh tế thị trường. Và con cháu chúng ta trăm năm, ngàn năm nữa nhìn ngược lại lịch sử có bao giờ nảy sinh câu hỏi như tôi đã từng tự hỏi: Cha, mẹ, ông, bà ơi! chúng ta có một nền kiến trúc Việt Nam đặc thù hay không?
Trịnh Thanh Thủy
* Tài liệu tham khảo
http://vi.wikipedia.org/wiki/Ki%E1%BA%BFn_tr%C3%BAc
Đoàn Minh Châu: “Bản lĩnh văn hoá của Hà Nội nghìn năm”: http://www.vnn.vn/chuyenmuc/thanglong/content_blvhhn.html
Nguyễn Bình Quân: “Nhà ống – ‘thất bại hoành tráng’ của đô thị mới” http://forum.ashui.com/index.php?topic=643.0
Trần Văn Luyến: "Có nên phân lô xây nhà hình ống?"
http://vietnamnet.vn/bandocviet/2004/04/62694/ © 2008 talawas
Kiến trúc sư Việt Nam – mái nhà chung và cơn gió bụi
Nguyễn Trung Quý
Chuyện thứ nhất: Một tour hành hương về nguồn rầm rộ về đến nơi "phát tích" của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, hứa hẹn bao điều thú vị. Nhưng trước khi vào đến đất thánh vài cây số, bụi bay mù mịt. Không ai bảo ai, các kiến trúc sư (KTS) vội lấy khăn bịt mồm mũi và đóng chặt cửa kính. Nhưng bụi vẫn lơ lửng. Vui lên đi chứ, đừng đau khổ thế cô em nhà báo, thì người Hà Nội gặp bụi như cá gặp nước mà. Hai bên đường, các em nhỏ đi học về cũng lấy khăn quàng đỏ bịt mặt như người thành phố đeo khẩu trang phòng SARS, dạt sang cả hai vệ đường, bánh xe đạp chúi xuống ruộng ngô để tránh đoàn xe long trọng ra về. 55 năm thành lập, con đường của người KTS Cách mạng cũng vẫn đi ra và trở về cội từ một nơi nghèo khó, bụi bặm đến ngột thở và những thứ ông Chủ tịch Hội trao cho chị Chủ tịch Xã nhà vẫn mới là một dự án (thực tế là trao tặng cho địa phương 1 trạm xá nhưng nhà tài trợ vắng mặt và công trình chưa xây, mới hãy chỉ giao tượng trưng chìa khoá kiểu Pinochio cùng những bó hoa tươi thắm mà thôi).
Chuyện thứ hai: "Chung một mái nhà" - đó là chủ đề của lễ kỷ niệm được lồng ghép trong một chương trình festival tour có đủ mùi ca ngâm: văn ("Tuyên ngôn Kiến trúc thế kỷ 21"), tuồng (55 phát trống do nghệ sĩ đoàn Tuồng Trung Ương đánh theo tiếng hô đếm của một KTS làm em-xi, tức MC), nhạc (kiến trúc sư hát, kèn thổi, CD "Bài ca Kiến trúc Việt Nam" với những câu như "Kiến trúc sư Việt Nam, tiến vào/ Thiên niên kỷ mới"), thời trang và người đẹp (các người mẫu sinh viên đi đi lại lại trong các trang phục "khai thác quần áo các dân tộc Việt Bắc" cùng thi hoa hậu kiến trúc tại đêm đốt lửa trại ở Tân Trào), hoạ (thi vẽ tranh phong cảnh, ký hoạ kiểu vừa đi đường kể chuyện) và thi tài năng nghề nghiệp (thiết kế nhanh mẫu bia biển Khu di tích). Trưa hôm sau, mấy kiến trúc sư nhờ đàn em copy hộ mẫu bia mộ trong máy laptop để giúp ông lãnh đạo bên Yên Bái xây phần mộ cho "các cụ nhà tôi". Thành phố mới lên cấp này là nơi tập kết cuối cùng và đây mới là cái đinh của tour. Các kiến trúc sư đã chỉ định cũng như trong đăng ký, tham gia hội thảo "Kiến trúc và quy hoạch thành phố Yên Bái" tại một toà nhà mới xây rất chi tráng lệ theo kiểu thuộc địa. Toà nhà này nhìn ngoài là một khối 5 tầng gần như lập phương có 4 mặt đứng giống nhau như tháp Bayon, có cái mái tôn giả kiểu mái gãy Manchard lợp đá chẻ (mái nhà Bắc Bộ Phủ là kiểu này) với những ô cửa sổ giả vờ làm như tầng áp mái, xung quanh toà nhà không một bóng cây giữa một mảnh đất rộng. Nếu hỏi thêm nó hình gì, lập phương ra sao, vuông thế nào, người mô tả lại cũng như anh chồng kể câu chuyện con rắn vuông cho chị vợ. Mặc dù đã tổng kết là phải phát triển thành phố hài hoà với cảnh quan tự nhiên, phải phù hợp địa hình địa mạo, phải đẩy mạnh sự đồng bộ trong quản lý v.v... và v.v... nhưng ai nấy đều biết chắc không đời nào người ta đập bỏ toà nhà đang ngồi họp và nhà uỷ ban cùng những cái nhà khác mặc dù chúng chẳng hài hoà mấy tí với nơi sơn cước đang thành một cô tân thời. Kiểu như vẫn OK với các cô sinh viên nhuộm tóc vàng hoe mặc đồ dân tộc biểu diễn thời trang giật giải Người đẹp nữ KTS kia đấy thôi (chân dài mặc đồ dân tộc Nhắng vẫn cứ đẹp, lời một KTS đứng xem).
Chuyện thứ ba: Đứng chờ xe, các nhóm công tác hình thành: đây là X con anh Y. À, anh có vấn đề với công trình Z, về nói với ông cụ là giúp anh W nhé. Mấy ông đang thời kỳ nước rút luận văn, phím cho nhau các đề tài và dự kiến đăng phần nào để lấy điểm: đăng trên tạp chí XD thì được 1 điểm, tạp chí KT thì được 0,5 điểm. Thì ra việc năng suất và được làm cộng tác viên thường xuyên với mấy tờ báo ngành lại có giá hời đến thế. Cho nên tự nhiên các nhà báo và toà soạn lại nổi hẳn lên. Trong vụ "áp phe Yên Bái" này, những tính toán ấy thể hiện thật sinh động. Cả thành phố Yên Bái và các khách sạn như vinh dự trước một vận hội mới, và tương lai của mình như thể sẽ do những người kia, ở những nơi xa xôi quyết định. Đi xe ôm khỏi thành phố, chuyến xe cuối cùng ở bến đã hết, người dân chỉ ra tận ngoài đường chỗ ngã ba quốc lộ, chờ xe từ Lào Cai về. Thành phố đến đây chỉ còn là một ốc đảo hoang vu, những hình ảnh sặc sỡ của khu các trụ sở thay bằng những dãy phố chợ nghèo xám xịt. Những tham luận quy hoạch trước đó tỏ ra kiệm lời cho những tình huống này. Thành phố, thị xã phân khu chức năng rành mạch và rất nhanh chóng, hình thành các vùng sang hèn. Khu nhà ở cho các lãnh đạo được "ra riêng", sếp gặp nhau ở cơ quan, phu nhân giao lưu qua hàng rào tư gia. Ở đây yên tĩnh nhỉ, chắc an ninh tốt chứ anh? Ừ, ở chỗ này, dân không được vào. Đối thoại này diễn ra ở nhà một ông địa chính Hà Giang, nghe chả khác "Chỗ này cấm chó và người Trung Quốc" như chuyện ở tô giới Thượng Hải thời liên quân 8 nước đế quốc đánh Trung Quốc đầu thế kỷ trước…
Chuyện còn tiếp: Đôi bạn lâu ngày gặp lại. Tao chuyển chỗ làm rồi, từ công ty tư nhân về liên doanh kiến trúc. Mệt lắm mày ơi, áp lực thì căng thẳng mà thấy KTS như cu ly ấy, chẳng biết có thu hoạch được gì về trình độ. Để làm thử 2 tháng, nếu không được thì "té". Làm ở Sở? Kể ra được chân thụ lý hồ sơ hay chạy dự án thì chấm mút đấy, nhưng chèn nhau vỡ mặt. Mày bỏ nghề? Hồi nào vẫn làm mà… Thì hồi quay ra làm nghề, gặp phải dự án mình làm đến bốn phương án đều chưa thông qua được, chủ đầu tư chờ vốn, chờ duyệt của cấp trên. Cổ điển Pháp, hiện đại hẳn hay là vẽ vời kiểu chùa chiền. Đã thấy hốt, thế mà ông thiết kế Bảo tàng Văn học làm đến 14 phương án cả thảy, tốn không biết bao nhiêu giấy in cho xuể. Đi ăn cưới, gặp một ông người quen. Ông này cái mặt đần đần như chẳng nói câu nào bao giờ. Thế mà câu đầu tiên khi giáp mặt là "Làm nghề kiến trúc nhiều tiền. Nhể?". Cái lý là, công trình 1 tỷ thì ông thiết kế (không cần biết thiết kế những gì) chắc cũng xơi gọn vài chục triệu. Qủa tình, nhiều KTS giầu và họ biết thể hiện mình là người giầu, sang và oai hơn. Quần chúng trông vào đó, nghĩ đơn giản về nghề kiến trúc với những hào quang và phong cách ngôi sao là những thứ hơn thiên hạ. KTS đa tài, khả năng thể hiện cũng khá, ăn chơi có vẻ ra dáng lắm. Các thế hệ sau vẫn ùn ùn nộp đơn thi vào trường, sinh viên khoa Kiến trúc các trường vẫn kèn cựa nhau ai hơn ai (trường Kiến trúc Thanh Xuân vẫn dè bỉu "Cái bọn Khoa Kiến trúc trường Xây dựng ấy..."). Cha mẹ vẫn tự hào con cháu mình học Kiến trúc. Làm Kiến trúc mà không giầu không sang thì bất tài, cũng như sẽ nhận được lời cảm thông đầy thương xót (xót của?) khi tỏ ý không làm nghề nữa. KTS đi môi giới, KTS đi cấp chứng nhận, KTS quản lý đi duyệt bản vẽ, "quan" KTS ra giá lệ phí, làm cho môi trường hành nghề bát nháo. KTS vẽ tranh, đàn hát, văn nghệ giao lưu hơn hẳn mấy ông quản lý khác, KTS đụng đến cái gì cũng biết, vẽ ra cái nhà vệ sinh hay phòng ngủ, tưởng tượng ra được cách sử dụng của thân chủ. KTS vẽ kiến trúc, KTS biết bóc tách vật liệu, thi công và thầu xây dựng. KTS biết chiều chủ đầu tư, lại cũng biết làm vừa lòng nhà quản lý, mấy ai không cúc cung tận tuỵ trong những dự án mà phần xôi thịt của mình không bé tí nào. KTS làm nghệ thuật? Không, nghệ thuật là thế nào, đâu phải như mấy anh hoạ viên chỉ biết vẽ nghí ngoáy trên máy tính, KTS làm là làm kỹ thuật cao, làm khoa học. Chẳng khác nào cái máy đa hệ với tư duy hi-fi. KTS Việt Nam có tiếng là dân nghệ thuật, trường phái nào cũng làm được: cổ điển, chiết trung, hậu hiện đại, tối đa, tối thiểu.., và khổ nỗi không chung thuỷ với một phong cách nào. Hiếm hoi lắm mới có một vài KTS và công ty tư nhân liều mình bó hẹp vào một sự "riêng" trong chiếu kiến trúc dưới mái nhà chung kia. Anh không đủ sức từ khước những thứ đề nghị xôi đỗ, chịu nằm trong cái guồng quay, biện bạch tôi có tài nhưng tại cơ chế nó thế, thoả hiệp với những ràng buộc không hề ghi trong văn bản pháp lý mà bởi những điều "tế nhị khó nói", để cho ra những sản phẩm cày đẽo giữa đường, ngô ngọng. Anh đổ lỗi cho những người quản lý không tôn trọng kiến trúc sư, cho đám đông bình dân thấp kém trình độ thẩm mỹ kiến trúc, nhưng anh là một công chức kiến trúc mẫn cán hay là một con buôn công trình?
Xã hội đòi hỏi "phản biện tư vấn KTS" và "đối tượng cần được bảo ban lại chính là Hội KTS" (!) và những người làm kiến trúc" ("Mong những điều tôi nói sau đây là sai" - KTS Nguyễn Trọng Huấn, tạp chí Sông Hương, số 174, tháng 8/2003). Cũng tâm sự này, người trả lời nhắc trong 25 năm qua (hay 55 năm?) đã có rất nhiều thế hệ KTS ra trường và bao nhiêu trong số đó đã đóng góp vào diện mạo kiến trúc Việt Nam hay là kết quả mang đến cho đất nước, cho nhân dân những gì, ngoài sự lo âu và tâm trạng bất an, nhất là ở các đô thị lớn mỗi khi nghe nhắc đến hai từ "kiến trúc - quy hoạch"? Hội KTS Việt Nam quản lý trong tay hơn 1500 hội viên, có cơ sở gần như phủ kín địa bàn cả nước, đã có trách nhiệm đến đâu trước thực trạng kiến trúc - quy hoạch hiện tại, hay đến hẹn lại lên, lần sau kỷ niệm 60 năm chẵn, sẽ là một đô thị khác đem ra thí nghiệm trong một festival tour linh đình hơn và giầu mầu sắc sân khấu hơn?
Diễn văn "Tuyên ngôn" chất chứa bao điều hay và những từ "thành quả to lớn", "kiến trúc dân tộc", "trăn trở nghề nghiệp", "nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc", "hợp sức cùng nhau làm nên thời kỳ hưng thịnh nhất của nền kiến trúc nước nhà" hùng hồn theo giọng tenor của MC… Một cơn gió nổi lên, bụi đỏ bốc mù mịt. Không ai nói gì, vội bịt mặt lại.
* Kiến trúc thời nay hay là bộ quần áo mới của hoàng đế
Nói đến đời sống vật chất của người Việt những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ mới này, người ta hình dung ngay ra sự thay da đổi thịt của vóc dáng kiến trúc, to lớn hơn về khối tích và dày đặc hơn về mật độ xây dựng. Nhưng để khẳng định nó có là một tất yếu hay có đẹp chăng thì hình như chúng ta đều lưỡng lự khi nhìn vào bức tranh tổng thể.Cách đây 20 năm, công cuộc quy hoạch và chỉnh trang đô thị ở VN tạo ra những khu vuông vắn đều đều 5 tầng "cùng tiến", thi thoảng lắm mới có một điểm nhấn bằng độ cao. Chắc trẻ con Hà Nội bây giờ sẽ không hình dung được rằng chiều cao 11 tầng của khách sạn Thăng Long, hay thậm chí tháp nước khu tập thể Trung Tự cũng đã từng là nơi cao nhất thành phố. Những khu tập thể xí nghiệp tối tăm và ẩm thấp, tường toocxi mái kèo sắt lợp ngói Sông Cầu, mỗi hộ công nhân một gian ngăn vách bằng ván cót ép, khu vệ sinh cũng một dãy nhỏ hơn, đồng dạng nhưng là một mái dốc dựa lưng vào hàng rào tường con kiến phía trước cửa, mỗi hộ một chìa khoá, và trên vách bao giờ cũng có câu nhắc nhở viết bằng phấn trắng: "Khi … xong nhớ dội nước", ám ảnh bao thế hệ sinh sống. Nhưng còn hơn "phố cổ" và "xóm liều". Mặt tiền Hàng Bông Hàng Gai cùng Hàng Ngang Hàng Đào lộng lẫy, kể cả thời bao cấp vẫn lộng lẫy thì những gian trong âm u và khủng khiếp thế nào, nhiều người đã mô tả thấm thía lắm. Con người tưởng cũng chỉ mơ đến căn nhà tranh tre nứa lá cùng "VAC" ở nhà quê, dù chưa có "xí hai ngăn" cũng còn lịch sự hơn vạn lần Thủ đô. Rộng và thoáng, hai từ trở thành ý nguyện hàng đầu của cư dân đô thị. Đường ống nước khu tập thể Rồi cũng đến lúc "lịch sử sang trang", cái sự giầu lên của nhà nhà kéo theo sự giầu lên của kiến trúc, thoạt tiên là kiến trúc "dân gian", tôi xin dùng từ cuả các thầy trường kiến trúc (các thầy nói về kiến trúc cổ truyền cơ) để nói về loại hình kiến trúc do dân tự xây và thiết kế, có hay không có kiến trúc sư vẽ. Tôi dám cá rằng trào lưu "tiền chiến" đã lây từ văn nghệ như âm nhạc, thơ Mới, Tự lực văn đoàn, tranh Mỹ thuật Đông dương sang nhà cửa. Sống bao lâu ở những nhà của "thực dân thời thuộc địa" bây giờ thấy đẹp thật! Đi học ở Liên Xô rồi Tiệp, Đức về thấy Hà Nội kém gì! Bắt đầu là ngôi nhà trên đường Yên Phụ có mấy cái "củ hành" như nhà thờ Kazanski từ quảng trường Đỏ Moscow nơi chủ nhân thành "tiến sĩ" ở đấy. Rồi khát vọng vươn cao được hưởng ứng; nếu những kiến trúc truyền thống bản địa của ta chẳng có hình mẫu (kết cấu cột - xà - kẻ của các cụ rặt nhà một tầng thấp bè), thì nay đã có "chóp"! Thế rồi "em ơi Hà Nội chóp" như tựa đề của phóng viên Thanh Hà đặt cho một bài báo gây dư luận được áp dụng toàn diện. Để rồi có mỗi mặt tiền nhà ống chừng 3 mét cũng có mái dốc chóp nhọn. Họ ngắm nghía những biệt thự thuộc địa được phục hồi, ngắm cái nhà hát Lớn được "mông má" lại và "mang" về tư gia. Đến nỗi uất quá, một kiến trúc sư tâm huyết khi bị trượt thầu vì không làm "hình thức Pháp" cho công trình hành chính của một tỉnh uỷ đã đổ tội cho cái "thằng" nhà hát tráng lệ kia, mày thực dân đến cả trí tuệ của dân tao. Chắc ông nên cho Đảng bộ tỉnh ấy xem xem trụ sở Đảng của cái nước Pháp họ mới xây kiểu gì, có phải là kiến trúc của giai cấp công nhân đấu tranh cho tiến bộ hay là giống kiến trúc của các đế chế trước cách mạng, tuyền là cao chín thước với mười mấy bậc và những hàng cột thức Hi La to vật vã?Khách sạn Đồng ThápĐền chùa quê ta mùa tu bổHiện nay, sau một thời gian "lên cơn" trùng tu tu bổ và khôi phục di tích, chủ yếu là đền chùa và di tích tín ngưỡng, chúng ta đang sở hữu những gì? Những đền chùa ấy chủ yếu sửa chữa và tăng cường thêm các khu điện thờ Mẫu và thờ Thánh để phục vụ cho các con nhang đệ tử, các cá nhân có nhu cầu tín ngưỡng đặc biệt để hành lễ. Nhưng đáng nói hơn cả, nhất là đối với những người trong nghề thiết kế kiên trúc, là hình thức của các công trình ấy không nói lên giá trị tiêu biểu đặc sắc gì cho thời đại ta đang sống. Hoặc đó là nỗ lực tuyệt vọng níu kéo lại vàng son quá khứ những trăm năm xưa bằng rồng phượng, bằng sơn vẽ xanh đỏ, bằng gỗ quý đá xẻ, bằng mái đao ngói mũi hài cong cong, bằng hàng lô lốc tượng không rõ Phật hay La Hán, nhập nhèm Thánh Mẫu Sơn Trang với Ngọc Nữ Kim Đồng … Hoặc đó là sự mô phỏng vụng về của những hình hài kiến trúc xưa trong kết cấu bê tông cốt thép.Tất nhiên là cũng có nhiều công trình phục dựng đàng hoàng, làm bằng vật liệu gỗ đá quý và tỷ lệ hình dáng không khác gì những Đình Bảng, Chu Quyến hay Tây Phương của thế kỷ 17, 18… Nhưng nhìn đi nhìn lại, nó cứ sạch sẽ và khô khan, nó không có gì sáng tạo, nó là dung hòa của tất tật những gì "quý giá" của cổ nhân. Nhà Thái Học mới xây trong Văn Miếu đẹp, công nhận - nhưng sử dụng thật là hạn chế (lần nào vào cũng thấy đóng cửa) và chẳng hiểu sao lại có lắm hạng mục phụ trợ đến thế trên cùng một diện tích không lớn gì? Và các đường cong của mái đao sao yếu ớt hay là thận trọng đến thế. Nhưng thế cũng là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh ảm đạm nhiều màu sắc (!!!) của trào lưu kiến trúc hoài cổ xứ ta. Các kiến trúc sư chủ trì bảo tồn có tâm huyết nói: sợ nhất là mấy ông mấy bà công đức những pho tượng Quan Âm trắng toát hay là mấy cái con sư tử hay tòa sen nhễ nhại xanh đỏ, rồi hàng tá những bia đá ghi tên cung tiến, những vạc hóa vàng bằng xi măng đúc. Chả biết để vào đâu. Lại còn có chuyện một ngôi chùa trong quần thể Yên Tử được phục dựng mấy năm trước - cũng ngon lành và chấp nhận được về hình thức, giờ thì lời ra tiếng vào, chỉ vì tiền làm chùa được công đức từ một nhân vật trong đường dây xã hội đen đang ra trước vành móng ngựa. May lắm thì các công trình di tích lớn ăn vào tiếng tăm thiêng liêng mà khách viếng bỏ qua sự xấu xí về vật thể hay sự thiếu hiểu biết về mỹ thuật của số đông, hoặc là cảnh quan tự nhiên tuyệt vời như những nơi chùa Hương, Yên Tử hay khu Tây Hồ. Liệu đã có thể xây dựng những chùa mà không chùa, đền mà không đền chưa nhỉ? Giống như những nhà thờ ở những vùng đất mới, họ không còn bị hình thức Gotic hay Roman ám ảnh nữa. Đó là những công trình hiện đại, thậm chí còn là những biểu tượng kiến trúc tiền phong như Ronchamp cua Le Corbusier hay nhà thờ ở Brazilia của Oscar Nimeier. Kiến trúc tôn giáo Á Đông chẳng lẽ cứ cột chặt mãi vào mấy cái "mái ngói xô nghiêng" hay là mấy con rồng nhe răng vậy sao?Kiến trúc chính thống ngả nghiêngNói thế là để nhắc sang chuyện kiến trúc công sở. Kiến trúc nhà dân dầu sao cũng mang thẩm mỹ và quyền làm chủ của họ. Còn kiến trúc "quốc doanh" thì sao? Quy hoạch 20 năm trước quả thật cũng đã làm được việc. Ấy là những tiểu khu phẳng phiu, những cụm dân cư lấy khu cây xanh kết hợp nhà trẻ trường học làm trung tâm, giao thông nội bộ hạn chế phương tiện cơ giới. Nhưng mà cái chỉ tiêu cho mỗi đầu người có tí con con, bao nhiêu cũng chật chội. Khá hơn thì có cái máy giặt, cái tủ lạnh, cái tủ gương, nhiều quần áo, nhiều bàn làm việc cùng phương tiện giải trí. Để vào đâu? Thì cơi nới. Sẵn ban công lô gia, chỉ việc hàn cái lồng sắt vào là thêm diện tích bằng cả một phòng nhỏ. Lại thêm chiếc xe máy, thứ nhất là lối cầu thang phải xây thêm dốc dắt xe, thứ hai là căn hộ chật thêm vì phương tiện đi lại. Những hộ tầng một đồng loạt xây thêm một phòng phía trước thành kiosque kinh doanh, trong đó chắc chắn là trông giữ xe cho những hộ tầng trên đi lại nhiều. Từ khi quy hoạch thiết lập và những khu chung cư tập thể ra đời, hòng quy định lối sống kiểu mẫu, nhất là chuyện đi lại (vào những năm 80 trở về trước được các chuyên gia nghiễm nhiên ấn định bằng các phương tiên công cộng), thì thật đáng tiếc là bao năm qua chẳng thể thực hiện được. Xe điện thì bỏ rồi, xe buýt thì Hà Nội năm 2002 có khá hơn nhưng như muối bỏ bể với nhu cầu khổng lồ. Còn Sài Gòn thì liên tiếp xảy ra tai nạn do sự cố xe xuống cấp. Đây là còn chưa tính đến việc thiếu sân bãi đỗ ô tô và garage cho gia đình có xe hơi riêng. Một lần nữa kiến trúc và quy hoạch đi sau thực tiến phát triển xã hội. Một vài khu chung cư cao cấp và công sở mới với đủ lệ bộ hạ tầng cơ sở không sao áp đặt được lối chơi văn minh của mình lên các khu còn lại. Bất động sản cao giá nhất vẫn là nơi hội đủ yếu tố về: dân trí cao, gần trung tâm, kinh doanh tốt, đi lại không tắc đường, nằm trong vùng quy hoạch chuẩn, không bị giải toả… Người ta nhắm đến chỗ gần nhà các vị quan chức, gần trụ sở uỷ ban mới xây, gần những gì họ cho là được ưu tiên ưu đãi nhất bây giờ, "vững như bàn thạch"! Một trụ sở uỷ ban quận to hơn hội trường Quốc hội án ngữ con đường ven hồ Tây, lập tức một khu "đô thị mới" hình thành kế bên, kéo theo hàng lô lốc "nhà chia lô" kéo thành vệt cùng quán cá quán nhậu ven hồ. Nghĩa là sẽ xoá sổ các làng hoa làng cây mà các vị lãnh đạo quy hoạch có tí máu văn nghệ khi chủ trì thiết kế quả quyết đấy sẽ là tiềm năng du lịch văn hoá sinh thái, mang "nét đẹp truyền thống của làng nghề xưa". Thiết nghĩ quy hoạch một vùng ven đô nào đấy, biến thành vùng dân cư phi nông nghiệp, thì trước tiên ngoài chuyện đền bù phải có một phương án chuyển đổi cơ cấu ngành nghề. Chính điều này quyết định hình thái cấu trúc không gian ở của khu đô thị. Không đợi ông nhà nước, bà con ta làm những nghề thủ công dịch vụ khác, hoặc đơn giản là bán nửa đất lấy tiền tỉ, lập tức có hai cái nhà ống cạnh nhau, có khi ra mặt đường thì cho thuê tầng trệt, cả nhà rút lên tầng cao. Ta liền có một "khu ổ chuột bằng vàng" mới và cứ thế nhân rộng mãi lên. Có gì chán và khủng khiếp hơn khi nhìn thấy những dãy tập thể cũ nát dính đầy "chuồng cọp" một màu xám xịt mênh mông nối tiếp, nhưng cũng không gì bất lực bằng đi hàng mấy cây số phố bê tông màu kem màu hồng màu xanh với chóp với cuốn phào chỉ cùng kính màu trà của Thái Hà, Gia Lâm hay gì gì nữa. Chắc tôi cũng như nhiều đồng nghiệp không tính trước được nhiều nhà chia lô mà mình vẽ kiểu hoá ra lại dùng cho dịch vụ "Bar - Karaoke" thay vì để ở như ban đầu. Thế mà ngày đi học chúng tôi luôn luôn cẩn thận đọc kỹ nhiệm vụ thiết kế để khỏi trượt vỏ chuối, đắn đo xem hình thức và công năng mình khống chế có phù hợp. Hẳn không phải là tệ lắm khi trụ sở Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc giống trụ sở Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh và đều có cái mặt tiền giống với một mặt tiền Louvre hay pha trộn gì gì đó, ta tặc lưỡi, có mỗi hai nơi thôi mà. Với cơ quan quyền lực cao nhất địa phương thì thế cũng được; nhưng mà thật mệt mỏi khi bạn thấy nhan nhản "Nhà hát Lớn" ở những nẻo đường tỉnh lẻ hay thậm chí đầu làng trên đường về quê. Cơ man là những mái "măng-sác" với mái khum khum của nóc nhà hát kia được "trích dẫn" lại. Lắm khi còn có thêm một điện thờ mang hình dáng một lầu mái cong có đủ rồng bốn phía cũng trên cùng một địa chỉ. Nỗi niềm "quá độ"Vì sao mà kiến trúc pha tạp ấy và cả kiến trúc cổ điển sạch sẽ lại khẳng định được vị thế ở xứ ta, nhất là miền Bắc nơi tưởng như những tuyên ngôn văn hoá macxit ủng hộ kiến trúc hiện đại và dân chủ? Ngoài những yếu tố về khát vọng đổi đời và tâm lý của nả dinh cơ "nồi đồng cối đá" cũng như vọng ngoại - cơm Tàu nhà Tây vợ Nhật thì hẳn có lý do từ sự phản ứng lại những "giá trị" của kiến trúc bao cấp. Nói đến bao cấp là đại đa số dân tình phủ nhận. Xấu và thô, tiêu chuẩn vệ sinh thấp, mét vuông theo đầu người thấp kỷ lục. Công tác hoàn thiện bề mặt dường như chịu cảnh cơm thừa canh cặn, thuộc vào hạng mục chót cùng khi hết vốn phải bàn giao. Lại thêm những tiêu chí sáng tạo của các kiến trúc sư học từ khắp nơi về ấp ủ lý tưởng trào lưu hiện đại và chủ nghĩa công năng mang màu sắc xã hội không tưởng. Về đến ta, thời tiết khí hậu khác, lối sống khác (luôn luôn là "quá độ"), những kết quả hoá ra mang màu sắc bi kịch nhiều hơn. Những công trình uỷ này ban kia là những khối bê tông đồ sộ cùng những dầm hộp, những nhịp hành lang cầu thang trưng bày chức năng một cách "xô viết" nhất. Thêm vào là tình trạng kinh phí hạn chế, làm sao duy tu đều đặn hàng năm, đến nỗi chỉ vài năm sau là các công trình kia xám xịt vì mưa nắng nhiệt đới, vì chất lượng vật liệu và thi công trung bình, vì lối sử dụng rất mực bình dân của con người, mà chủ yếu ở đây là viên chức. Không kiến trúc sư nào đặt bút vẽ chức năng phục vụ đời sống sinh hoạt của con người trong một phòng hành chính, nhưng nó sẽ là nơi các nữ cán bộ đan len, giặt đồ, nhặt rau, đun nấu cũng như hương hoa mồng Một cho chí ngày rằm… Với những nhu cầu sinh hoạt của một xã hội như vậy, mọi kiến trúc sư phải chào thua. Kiến trúc bao cấp thật sự thì cũng để lại một vài công trình nghiêm túc, có tìm tòi và nghiên cứu, giá trị đạt được là đáng trân trọng trong một hoàn cảnh hạn chế. Những công trình thiết kế đều có nguyên tắc và quy củ: sạch sẽ và ngay ngắn cũng như tiết kiệm. Các kiến trúc "chính thống" ít nhất cũng bộc lộ một trạng thái: khẳng định sự nhất nguyên và ổn định của tư duy. Cho đến thời khắc "bung ra", tâm lý con người cũng dao động và đòi hỏi thoả mãn cái sự bung ra ấy, họ không vừa lòng với khuôn khổ kiến trúc được quy chuẩn, họ kết án "bao cấp" và kết án cả kiến trúc của nó.Thật ra những năm sau giải phóng miền Nam, Hà Nội đã có một dịp chạy theo mốt kiến trúc đô thị Sài Gòn trước 1975, nhưng cũng không học bao nhiêu ngoài đá rửa, tấm đan bê tông đúc chắn nắng và cột ốp đá. Mười năm đổi mới, kiến trúc nổi lên chìm xuống theo thị trường vật liệu, theo xi măng sắt thép, theo các catalogue cùng các chuyến công du của giới chức lãnh đạo, theo thị kiến của người tiêu dùng. Cùng anh em bà con với mỹ thuật, kiến trúc cứ hồn nhiên hết mình tìm phương cách thể hiện. "Về nguồn", có ngay những căn nhà cổ dựng lại với chạm trổ và đồ gỗ nội thất choáng lộn, "đồng nội cổ truyền" nhưng giá trên trời, các hoạ sĩ lắm tiền là một thành phần của trào lưu này, họ đem cái "văn hoá làng" được khai thác từ tranh pháo ra sắp đặt rồi thành nội thất và tiến lên kiến trúc. Chum vại, tre nứa, gạch ngói, chuối cau, sành sứ, đủ cả. Một căn nhà giống như một cửa hiệu cầm đồ, nhưng không rẻ tí nào. Chơi chất liệu, được đấy, các thể loại ốp lát, gạch gốm, gạch đất nung, gạch cháy, gạch giả cổ, đá xẻ, đá granit, nhôm kính, sắt uốn sơn tĩnh điện, gỗ gỉ gì gi cái gì cũng chiều. Tôi cứ luận từ ba ngôi trường coi là hàng đầu trong đào tạo nghề kiến trúc và xây dựng ở Việt Nam: Kiến trúc Hà Nội (ĐHKT), Xây dựng Hà Nội (ĐHXD) và Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh (KTHCM). Trường ĐHKT mang hình thức "thể hiện lại hình dáng ngôi nhà truyền thống dân tộc với các yếu tố mái dốc lớn, tỉ lệ mặt đứng cũng như trang trí kết hợp - thiên về chủ nghĩa biểu hiện", hình thức này chỉ vốn để khoác lên cơ sở kiểu cũ hành lang bên tạo thêm sân trong và không gian công cộng - vốn được ưa chuộng trong rất nhiều công trình văn hoá (kiểu mô típ nhà hình trống đồng hay nhà sàn, đình làng, mái dốc con sơn…). Trường ĐHXD bên cạnh cơ sở chưa cũ lắm kiểu nhà thời "bao cấp" nhưng đúng chính tả, xây một giảng đường bốn tầng trông có vẻ "hi-tech", khung thép, mái vỏ cong, bê tông sơn trắng, cửa kính lớn, phải chăng Richard Meier bắt đầu tạo được ảnh hưởng mạnh ở xứ này? Trường KTHCM điển hình cho phong cách đá rửa và mảng miếng bê tông cùng cơ man là tấm lam chắn nắng. Lướt qua vậy để thấy sự đa dạng thế nào về hình thức ngay từ lò luyện người thiết kế. Ra trường, được gọi luôn là kiến trúc sư nhưng ngả nghiêng lập trường và nhận định, không phải ai cũng dám chắc là mình dạy được thiên hạ về kiến trúc cả. Thôi thì đối tác và bên A nhu cầu sao thì ta tìm cách xoay xở vậy. Miễn là không sai chính tả.Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lạng SơnToà án nhân dân tỉnh Lâm ĐồngNhà hát Lớn cõng Khuê Văn CácĐi làm nghề kiến trúc, gặp phải công thức này: hễ là công trình văn hoá thì phải có hình thức kiến trúc dân tộc, mà nghĩa là phải có chim Lạc, hay là có mái đao đình, có hoa văn cổ, có âm dương, có vật liệu địa phương (nếu bạn phải lập dự án khả thi, hãy cố gắng "bắt" cho được nhiều yếu tố loại ấy dù sự có mặt của nó phũ phàng như bạn mặc cái áo dài ngoài bộ complet); còn hễ là công sở thì mau mau lấy trong thư viện phần mềm đồ hoạ AutoCad các mặt đứng "nhà kiểu Pháp". Các uỷ ban thì tôi đã nói ở trên, kể thêm trụ sở Bộ Công nghiệp trên phố Hai Bà Trưng, từng mang phong cách chiết trung thời 1940-1950 bỗng dưng thay hình thành tân cổ điển nửa mùa vào năm 1998, đắp thêm cột thức Ionic với vô số hoa văn thạch cao trắng toát, có lẽ khó nghĩ rằng sẽ gặp một nền công nghiệp hiện đại ở một nơi luỵ hình thức lạc hậu như thế. Toà nhà Cục Sáng chế từng có một hình thức rất "châu Âu" (hay Liên Xô?) nay chắc có ngân sách, sơn phết lại thành thức cột và gờ chỉ chói chang, chắc cũng là một sáng chế? Đất nước bị kéo lùi lại vài thế kỷ, công trình chả cần biết kết cấu mới cũ ra sao, cứ diễn mãi "Cô lô nhần" cho đến khi nào… Kết thúc những tản mạn của mình, xin giới thiệu một ví dụ liên quan tới Hội Nhà văn Việt Nam. Đấy là dự án công trình Bảo tàng Văn học Việt Nam. Đại để người thiết kế muốn hướng đến một hình thức kiến trúc hiện đại, mà hiện tại đã xây gần xong phần thô (khung bê tông cốt thép) rồi, nhưng bên các lãnh đạo Hội Nhà văn (đại diện là ông Cao Tiến Lê) lại muốn có tham chiếu kiểu có tí "đậm đà bản sắc dân tộc", vậy là có thêm một phương án hình thức với Khuê Văn các (những hai Khuê Văn các) trên cao chót vót (tầng sáu), mái dốc đỏ chói cùng cột giả chạy hành lang. Có lẽ nó giống Nhà hát Lớn (cũng là tinh hoa văn hoá cả!) nhưng mái đỏ và có lầu sinh hoạt công cộng (ngâm thơ chăng???) - thực chất là nóc của thang máy và thang bộ, gọi bình dân là cái "tum". Chưa nói đến việc những mái dốc lại quay tất cả mặt tam giác đầu hồi ra mặt tiền công trình, mà theo quan niêm các cụ rất kỵ lối đi vào đầu hồi, các cụ gọi các tam giác thủng ấy (có cái ván lá đề chạm trổ che hờ) là khu… đĩ, gọi chệch là khu dĩ chứ lắm khi nói thẳng là cái l.. nhà. Những cái đó cũng không thành vấn đề, nếu quả thật có sự sáng tạo hay là đóng góp gì về mặt tư duy kiến trúc hay hình khối ở đây. Nhưng ở đây chỉ thấy một sự sơn phết ấu trĩ và hời hợt trong hiểu biết về kiến trúc truyền thống. Đã lỗi thời khi chăm chăm cóp nhặt những hình thức kiến trúc của một kết cấu gỗ cổ truyền chỉ cho một loại không gian duy nhất sang một kết cấu bê tông cốt thép có thể biến đổi phương chiều tuỳ ý sáng tạo không gian, cũng như rất thô để mà "tận dụng" những khái niệm khuê văn các cùng với mái đình chùa lên một khối vật chất bê tông ngột ngạt, nhất là ở vào thế kỷ kỹ thuật cao đòi hỏi ứng dụng những giá trị tiên tiến nhất. Hồn dân tộc nằm ở cái không gian chứa đựng bên trong, cái hiện đại chuyên chở hồn ấy, mới là vẻ đẹp của nghệ thuật sáng tạo, cũng như tác phẩm văn chương không mãi mãi bằng lòng với những thể tài quen thuộc.Nguyễn Trung Quý
Phố cổ Hà Nội - Một truyền thống sinh hoạt
William S.W. Lim - Dương Nguyệt Minh dịch
Hà Nội là một nơi định cư cổ. Lịch sử trước thuộc địa của thành phố này bắt đầu từ đầu thiên niên kỷ thứ hai. Thành phố được hình thành với công trình xây dựng toà thành hoàng cung vào năm 1010 sau Công nguyên. Bên cạnh chức năng đồn trú theo đúng kế hoạch xây dựng thành, Hà Nội đã sớm trở thành một địa danh quan trọng về văn hoá, tôn giáo, chính trị, đồng thời là nơi diễn ra các hoạt động thương mại buôn bán sầm uất. [1] Những chức năng đa hợp này- theo lý thuyết của Terry McGee- có lẽ đã tạo nên đặc tính kiên cường và linh hoạt cần thiết để đối phó với bao thách thức qua hàng thế kỷ. Mặc dù có những ảnh hưởng và dấu ấn đậm nét của Phật giáo và Ðạo Khổng Trung Hoa trong nền văn hoá, hệ thống cai trị và ngôn ngữ Việt, nhưng "các vị vua xứ Việt chính là những nhân vật cai trị theo đúng nghĩa. Họ có nghi lễ tế Trời Ðất riêng; họ thường xuyên gửi đồ cống nạp sang Bắc Kinh mà vẫn không đánh mất đi sự toàn vẹn của mình." [2] Gần đây, công trình nghiên cứu thành phố "phi Tây Âu" Ahmedabad của học giả người Ấn Ðộ Ragchandhuri đã đặt ra những thắc mắc đối với khái niệm truyền thống rằng địa vị thống trị thực dân là một quá trình một chiều, ở đó những thế lực thực dân tái cơ cấu môi trường vật chất và xã hội của các thành phố bằng những hình ảnh nhãn quan riêng của họ, và bằng quan niệm vốn vẫn được chấp nhận về khả năng chung sống. Không giống như Bombay hay Calcutta, những giá trị ưu tú bản xứ của thành phố Ahmedabad đóng một vai trò quan trọng tạo nên sự phát triển không ngừng cho thành phố này. "Trật tự xã hội, văn hoá và không gian mới đã trở thành nền tảng thúc đẩy cho các ý tưởng cũng như các hình thức ngôn ngữ và văn học mới nảy sinh trên toàn quốc gia; và mặc dù tất cả đều hiện đại, nhưng đồng thời cũng không hề mang dấu ấn Tây Âu." [3] Tuy nhiên, sự can thiệp của thực dân Pháp đã gây ra bao tàn phá ngay từ khi bắt đầu thời kỳ thuộc địa, bởi người Pháp đã bằng vũ lực tái tạo lại hình ảnh thành cổ Hà Nội. Sau đó, việc xây dựng Khu Âu dọc theo thành cổ- hay còn gọi là Khu Phố Cổ- chính là biểu tượng cho những tham vọng hống hách muốn biến Hà Nội thành thủ đô của Ðông Dương và thành sở hữu của người Pháp bằng cách gieo những hình ảnh đô thị Pháp vào trong lòng Hà Nội. Suốt một thời gian dài, thành phố đã phải khó khăn chấp nhận sự song song cùng tồn tại của hai địa cực đối lập. Trong phong trào vị quốc của người Việt, phần mới xây dựng của thành phố đã trở thành biểu tượng đàn áp người Việt Nam, đàn áp tính độc đáo của dân tộc Việt Nam- một sự đàn áp chủ yếu dựa trên chủng tộc, sự giàu có và quyền lực. Nó đã trở thành lời chế nhạo và bóc trần sự thật câu chuyện hoang đường về nhiệm vụ văn minh hoá. Tại Hà Nội, có hàng ngàn đền đài và công trình tưởng niệm. Nhưng lại không có toà nhà, công trình tưởng niệm hay tổ hợp kiến trúc nào có đủ tầm vóc sánh ngang với các nước khác. Bản chất cốt lõi thật sự của Hà Nội nằm ở các tầng lịch sử và truyền thống sinh hoạt động, đa dạng, phong phú và phức tạp của nó. Ðặc biệt, Khu Phố Cổ càng được tinh lọc bởi ký ức chung mang đậm màu sắc đan xen của người dân thành phố, những ký ức không ngừng bị tàn phá, lãng quên, kiến tạo và tái tạo. Ngày nay, hơn nửa triệu người đang hàng ngày di chuyển ra vào Khu Phố Cổ. Cuộc sống trên đường phố chứa đầy năng lượng với những hỗn độn đầy sáng tạo của những sắc màu chói loà, những mùi hương và âm thanh. Dân số thành phố hôm nay đã bùng nổ vượt quá con số ba triệu. Sự mở cửa nền kinh tế thị trường và những tác động toàn cầu đã tạo ra sức ép ngày càng gia tăng, buộc Hà Nội phải đáp ứng đủ những địa điểm hấp dẫn, cần thiết cho sự phát triển của mỗi cá nhân, cũng như để thực hiện tái phát triển và tái cơ cấu đô thị. Tốc độ phá dỡ đã gây những thiệt hại nghiêm trọng cho kết cấu đô thị hiện nay. Trong bối cảnh này, đã đến lúc thành phố Hà Nội cần hoạch định những chiến lược quan trọng có tính chất quyết định dựa trên lý thuyết và thực tiễn đô thị - văn hoá hiện đang được áp dụng tại các nước Châu Á có nền kinh tế đang phát triển. Hai kết luận mang tính sống còn đã được xác định. 1) Nguyên lý lý thuyết đã ghi nhận tính thiết yếu và bản chất phụ thuộc lẫn nhau giữa cái toàn cầu với nét riêng biệt ở từng địa phương, đồng thời đã chấp nhận một yêu cầu bức thiết là phải nghiên cứu mọi ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hoá đang diễn ra ở những cấp bình dân nhất [4] và của chủ nghĩa hậu hiện đại. [5] 2) Các đặc tính đặc biệt của đô thị mới ở Châu Á [6] cũng như những điều kiện tạo nên những đặc tính đó trong thời kỳ hậu thực dân [7] đang dần được xác định. Công việc vẫn còn nhiều. Tuy nhiên, nhiều người có cùng chung suy nghĩ rằng các công cụ quy hoạch của chủ nghĩa hiện đại, ví dụ như những toà nhà chọc trời, việc mở rộng những tuyến đường huyết mạch, việc phá sập hàng loạt và xây dựng lại toàn bộ, v.v. đang tạo nên những tổn hại to lớn cho kết cấu phức hợp của các thành phố cổ, xoá đi nét độc đáo và ký ức về những thành phố đó. Giải pháp theo tiêu chuẩn của chủ nghĩa hiện đại là xây dựng các thành thị mới, tăng tỉ lệ mật độ/diện tích đất tại cách thành phố như hiện nay đã không chứng tỏ được hiệu quả. Tôi xin được trích lời William Logan "Ðối với những người Việt Nam đã từng chiến đấu dưới ngọn cờ xã hội chủ nghĩa, thì cách suy nghĩ hoàn toàn mới mẻ này thực sự đã gây sốc cho họ, dường như nó phủ nhận mọi lý tưởng và mục tiêu chiến đấu của họ trong suốt nửa thế kỷ trước đó." [8] Tôi cho rằng ý tưởng xây dựng một Hà Nội đương đại, một thành phố sinh đôi gần gũi với thành phố đã và đang tồn tại nhằm mục đích giảm bớt tốc độ phá dỡ và xây mới như hiện nay có thể là một giải pháp lý thú. Tuy nhiên, đây không phải là chủ đề cho hội thảo này của chúng ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập của nước Việt Nam vào ngày 2 tháng 9 năm 1945. [9] Lời tuyên bố đầu tiên chính là lời trích dẫn từ Tuyên ngôn Ðộc lập của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ năm 1876. "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá ban cho họ những quyền không thể khước từ, trong đó có quyền được sống, được tự do và được mưu cầu hạnh phúc." Cũng trên tinh thần đó, quốc hiệu của Việt Nam chính là Ðộc lập- Tự do- Hạnh phúc. Tôi đặc biệt bị ấn tượng bởi thành tố Hạnh phúc trong quốc hiệu này, bởi đây là một khái niệm trừu tượng, hàm chứa nhiều giá trị khác vượt lên trên sự giàu có an khang về vật chất. Tôi xin trích dẫn một bài viết gần đây có tiêu đề "Từ sự ưu ái đến niềm hạnh phúc: Hướng tới nền kinh tế phúc lợi toàn diện hơn", trong đó tác giả viết rằng "…ai kiếm tìm lạc thú và hạnh phúc cho riêng mình sẽ không bao giờ tìm thấy nó, mà chỉ những ai luôn giúp đỡ người khác mới có thể tìm thấy hạnh phúc…Sau khi đã đạt đến một mức độ tối thiểu nhất định, thì thu nhập cao sẽ không thật sự khiến con người ta cảm thấy bội phần hạnh phúc…Trên hết, chính sự không công bằng là cái phủ nhận hạnh phúc chính đáng…Hạnh phúc thực sự là sự quan tâm tột đỉnh." [10] Chính tầm cao đạo đức này của khái niệm "hạnh phúc" mới thể hiện đầy đủ sự cam kết không suy giảm vì công bằng xã hội và việc thực thi công bằng xã hội một cách vật chất trong sự công bằng về môi trường và không gian. Kể từ năm 1874, nhân dân Việt Nam đã tham gia vào cuộc đấu tranh suốt hơn một thế kỷ chống lại thực dân đô hộ. Với sự ghi nhận nền kinh tế thị trường toàn cầu như một công cụ hữu hiệu hơn để có thể tạo ra tăng trưởng kinh tế và của cải cho xã hội, chính phủ Việt Nam đã khởi xướng chính sách Ðổi Mới từ năm 1986. Ưu tiên hàng đầu của chủ nghĩa tư bản toàn cầu chính là tối đa hoá lợi nhuận, thậm chí cho dù cái giá phải trả là nền văn hoá quốc gia và những lợi ích môi trường. Do đó, chính phủ hậu xã hội chủ nghĩa và hậu cách mạng ở Việt Nam cần đảm bảo lợi ích lâu dài của quốc gia, đề cao những cam kết không ngừng nghỉ để hướng tới bình đẳng và công bằng xã hội cho mọi công dân. Cũng trên tinh thần này, gần đây Thủ tướng chính phủ đã ký văn bản hướng dẫn đảm bảo "thúc đẩy dân chủ và sáng tạo tại cơ sở, huy động sức dân, cải thiện điều kiện sống, nâng cao kiến thức và củng cố ổn định xã hội." [11] Báo cáo năm 1990 của UNESCO cũng thể hiện những lợi ích to lớn của việc bảo tồn Phố Cổ Hà Nội. Từ đó đến nay, chính phủ Việt Nam đã tăng cường ban hành thêm các quy định toàn diện điều hành việc nâng cao chất lượng và tái phát triển. UNESCO và Hà Nội hiện đang phát động một chiến dịch vận động đưa Khu Phố Cổ vào danh sách các di sản văn hoá thế giới. [12] Tuy nhiên, để định hướng cho công cuộc tái thiết, cần xác định rõ ràng các vấn đề đạo đức và ý chí chính trị của chính phủ và nhân dân Việt Nam, chuyển hoá chúng thành những hoạt động xã hội, văn hoá, và phát triển đô thị mang tính khả thi. Việc vận dụng này cần phải được thực hiện với cái giá là những chi phí kinh tế xã hội và một mức độ đổ vỡ nhất định mà cả những cư dân Phố Cổ cũng như chính phủ đều có thể chấp nhận được. Tôi muốn phân tích bốn vấn đề quan trọng có liên hệ chặt chẽ lẫn nhau và cùng liên quan đến vấn đề tái sinh Khu Phố Cổ. Bốn vấn đề đó là: 1) Truyền thống sinh hoạt, 2) Nâng cấp cơ sở hạ tầng, 3)Vấn đề sử dụng và quy mô đất, 4) Du lịch văn hoá. Truyền thống sinh hoạt Trong nền kinh tế thị trường, khi địa điểm bỗng tạo nên rất nhiều sức hấp dẫn về mặt tài chính, đồng thời luật pháp lại quy định cho phép chủ sở hữu đất được đòi lại nhà đất của họ để tái phát triển mà chỉ phải trả một khoản đền bù tối thiểu cho những người dân đang sinh sống trên đất của họ, thì nhất định sẽ dẫn đến xu hướng trưởng giả - ngay cả trong điều kiện quy hoạch và quản lý kiến trúc nghiêm ngặt. Thêm nữa, vì xu hướng này nảy sinh chỉ sau một thời gian ngắn, nên những cư dân nghèo khó hiện đang sinh sống trên đất của người khác sẽ bị di rời đi nơi khác, công việc kinh doanh cũng vì thế mà bị phá vỡ. Vẻ duyên dáng quyến rũ và sự năng động sẽ biến mất. Có thể kể ra đây nhiều ví dụ như: thói trưởng giả thể hiện tại các khu bảo tồn tại Singapore, hay xu hướng xây dựng công viên vui chơi theo chủ đề tại các thành phố và thị trấn ở Mỹ. Ðây là những ví dụ vạch trần chủ nghĩa lịch sử tái tạo. Mặt khác, một trong các biện pháp giữ nguyên hiện trạng môi trường vật chất vốn có và duy trì các phong cách sống hiện tại cũng như các ngành nghề buôn bán truyền thống của người dân chính là: làm đóng băng thời hiện tại. Không gian rồi cũng dần mất đi sức sống và động lực của nó. Nó sẽ sớm trở thành một điểm di sản của quá khứ vừa qua, và là một sự hoài niệm quá khứ đầy lãng phí. Một đặc điểm cố hữu rất quan trọng của Khu Phố Cổ là tính không ổn định và sự cách ly khỏi nhịp điệu phát triển xã hội. Ðặc điểm các hình thức sử dụng cũng như chân dung người sử dụng những địa điểm này luôn thay đổi và phát triển theo thời gian, đôi khi sự thay đổi này diễn ra rất nhanh chóng. Ðể duy trì truyền thống sinh hoạt tại Khu Phố Cổ, có ba điều kiện đảm bảo cho sự thành công. Ba điều kiện đó là: 1) ghi nhận quyền chiếm hữu của cư dân dù không có quyền sở hữu theo pháp luật, nhằm mục đích ngăn chặn việc bị cưỡng ép di rời, 2) đáp ứng một cách hữu hiệu và nhạy bén trước những thay đổi nhanh chóng của nền văn hoá, các giá trị và phong cách sống trong nước, và 3) lắng nghe tiếng nói của người dân và sự cần thiết phải cho họ tham gia tích cực vào quá trình ra quyết định. Nâng cấp cơ sở hạ tầng Các dịch vụ hạ tầng cơ bản như điện, nước, tưới, tiêu, v.v. đều phải được cung cấp đến cho mọi người ở mức giá thành hợp lý. Tôn trọng những tuyến đường đã có và những cấu trúc đã được xây dựng, quy mô đô thị hiện nay bao gồm những dãy phố nhỏ phía sau nhà, nơi hiện trạng môi trường được giữ nguyên. Có thể áp dụng biện pháp nâng cấp những gì đã có kết hợp xây mới những mẫu thiết kế đương đại, nhưng quy mô và sự phức tạp của môi trường truyền thống thì luôn cần được tôn trọng. Giao thông cũng cần phải được cải thiện để tạo an toàn hơn cho người đi bộ cũng như giảm bớt ô nhiễm và không rơi vào tình trạng lạm dụng quy định. Ðây là hai vấn đề nan giải đòi hỏi phải được chú ý ngay. Ðó là 1) Phải điều chỉnh mức độ dân số quá tải tập trung trong những căn nhà ở Khu Phố Cổ, nơi người dân chủ yếu là người nghèo, phải đi bán dạo những thứ đồ lặt vặt ở gần nhà để kiếm chút thu nhập qua ngày. Việc cưỡng chế di rời họ đi nơi khác chắc chắn sẽ tạo nên những căng thẳng và thử thách xã hội không thể tránh khỏi. [13] 2) Việc sửa chữa hoặc xây lại nhiều căn nhà cấp bốn có thể nằm ngoài khả năng tài chính của người dân. Rất may là ở đây chủ sở hữu đất lại là nhà nước, do đó các giải pháp cũng đỡ phức tạp hơn. Tôi cho rằng nhà nước cần coi trọng việc duy trì truyền thống sinh hoạt ở Khu Phố Cổ, và coi đó như một tài sản quốc gia. Tuy nhiên, lại không hề tồn tại một công thức chung hướng dẫn thực hiện công việc này. Chính phủ cần tìm ra giải pháp hiệu quả vừa đảm bảo tính nhân văn, vừa độc đáo để có thể phù hợp với những điều kiện cụ thể của Khu Phố Cổ. Vấn đề sử dụng và quy mô đất Cũng như nhiều trung tâm buôn bán kinh doanh truyền thống trước khi chịu tác động của các biện pháp can thiệp và tái phát triển, ví dụ như Thành phố Bazaar City ở Mumbai, [14] du khách đi dạo một vòng qua các con phố của Khu Phố Cổ sẽ có được một trải nghiệm không thể nào quên về mức độ phức tạp đến không ngờ trong sử dụng không gian, về cảnh tượng phố xá huyên náo hỗn độn, về các hoạt động sầm uất của khu vực không chính thức, các cửa hàng ăn uống và hàng loạt các hộ kinh doanh nhỏ, các cửa hàng thủ công mỹ nghệ, v.v. Ðằng sau mặt tiền của các cửa hàng là vô số các văn phòng kinh doanh quy mô nhỏ, các khách sạn bình dân, các câu lạc bộ và nhiều cơ sở khác, cũng như những căn nhà đông đúc chật hẹp với cư dân là những người nghèo của đô thị. Quy mô đất phần nhiều là nhỏ và không tuân theo một quy tắc nào cả. Ðiều này lại càng làm tăng thêm vẻ duyên dáng và độc đáo cho môi trường nơi đây. Trật tự bề mặt hỗn độn này vượt quá mọi phạm vi và mức độ am hiểu thể hiện trong các lý thuyết quy hoạch theo chủ nghĩa hiện đại. Nơi đây có khả năng tự thay đổi và tự khám phá không ngừng. Tuy nhiên, việc mở rộng đường xá, mật độ dân cư quá cao, những toà nhà chọc trời và quá trình tái phát triển quy mô lớn cũng như các cửa hàng tổng hợp, siêu thị, v.v. cũng có thể tạo ra những thiệt hại không thể cứu vãn được. Cần có những nỗ lực sáng suốt để khuyến khích việc cung cấp các ngành nghề thủ công, nghệ thuật đương đại, các quán cà phê bình dân, và các không gian có mức giá cả hợp lý cho rất nhiều các bạn trẻ trong cộng đồng nghệ thuật, đồng thời cũng để tối giản ảnh hưởng của các hệ thống cửa hàng toàn cầu, ví dụ như MacDonald hay Starbucks. Du lịch văn hoá Năm 2002, Việt Nam đón 2,6 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 900.000 khách đến Hà Nội. Rất nhiều du khách, đặc biệt là những người đến từ Trung Quốc và các nước Ðông Nam Á khác thường thích ngụ tại các khách sạn nhỏ, ít xa hoa và do chủ nhân tự điều hành. Quá trình này có thể tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước, cũng như tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân. Du lịch văn hoá đang ngày càng trở thành một hiện tượng phổ biến trong giới trẻ có trình độ - họ đòi hỏi chuyến đi phải cho họ cái nhìn toàn diện và có giá trị về văn hoá xã hội của đời sống bản địa. Khu Phố Cổ chắc chắn là một điểm thu hút được rất nhiều khách du lịch văn hoá, trong đó có nhiều người là khách ba lô, cùng du lịch với bạn bè hoặc đôi khi với con nhỏ. Họ chọn những khách sạn rẻ tiền, thích thú với việc lượn phố, ăn tiệm, uống nước và thư giãn vui vẻ trong các quán cà phê xung quanh khu vực khách sạn. Một vài người có phong cách giống như những kẻ hay rong chơi trong chuyện của Walter Benjamin, họ là những người luôn tìm kiếm kinh nghiệm thay vì kiến thức. Như cách nói của Benjamin: "Cảm giám say sưa xâm chiếm anh khi anh lang thang không mục đích trên các con phố. Mỗi bước anh đi lại như tiếp thêm nguồn động lực; thậm chí khi đó sức quyến rũ của các cửa hàng, tiệm ăn, của những gương mặt phụ nữ với nụ cười trên môi cũng giảm hẳn, và anh càng không thể kháng cự nổi sức hút như có mãnh lực của góc phố kế tiếp, hay của tên phố thấp thoáng từ phía xa như những chiếc lá." Kết luận Tóm lại, việc bảo tồn Khu Phố Cổ với tư cách một truyền thống sinh hoạt có sứ mạng không ngừng phản ánh sức sống độc đáo của nền văn hoá đô thị đang thay đổi nhanh chóng từng ngày từng giờ tại Việt Nam là một nhiệm vụ kinh khủng và đầy thách thức. Không giống với những điểm di sản tại nhiều nước khác, nơi kiến trúc và cảnh quan đô thị đạt đến chất lượng vượt trội, ví dụ như trung tâm truyền thống Penang của Malaysia, sau rất nhiều những tàn phá qua hàng thế kỷ do hậu quả của chiến tranh và thiên tai cũng như quá trình tái xây dựng không ngừng, những gì còn lại của Khu Phố Cổ Hà Nội đến nay là khoảng 300 ngôi nhà "cỡ trên một trăm năm tuổi." [15] Tôi hoàn toàn nhất trí với Giáo sư Arnold Koerte rằng văn hoá đô thị tại Khu Phố Cổ thể hiện "một không gian phố xá gần như hoàn hảo, với những con phố và quang cảnh hài hoà mà điểm nhấn là những ngôi nhà mặt tiền, màu sắc và cây cối…nhưng chính con người - những người đem đến cuộc sống và sự đa dạng cho thành phố này, mới là nhân tố đáng kể nhất". [16] Ðã có nhiều công trình viết về những tâm huyết bảo tồn, phục chế và quảng bá cho Khu Phố Cổ. Tuy nhiên, còn thiếu một nhân tố quan trọng: đó là phải thông tin, lấy ý kiến và thu hút sự tham gia của người dân sống tại đây. Tôi rất thông cảm với lo ngại của nhà sử học Lê Văn Lan rằng "bản thân những người dân sống tại đây còn có quá ít tiếng nói, trong khi chính họ có lẽ cũng rất ít biết là người ta đang đại diện cho họ để bàn thảo những vấn đề gì…Tài sản lớn nhất của Khu Phố Cổ - kể cả vật thể cũng như phi vật thể - tài sản có giá trị tuyệt vời nhất về mặt lịch sử và văn hoá - chính là những con người đã sống ở đây qua nhiều thế hệ - nhưng chính họ lại bị bỏ quên". [17] Theo tôi, sự tham gia tích cực của những con người này là yếu tố thiết yếu, bởi lẽ bài toán đặt ra với chúng ta cực kỳ phức tạp và cần được xây dựng, cải thiện và điều chỉnh không ngừng để có thể đáp ứng được lần lượt tất cả các vấn đề có liên quan lẫn nhau như vừa nói trên.William S.W. Lim
[1]William S. Logan, " Hệ Tư tưởng, Ký ức và Tầm quan trọng về Di sản" trong cuốn Hà Nội : Tiểu sử một thành phố ("Ideology, Memory and Heritage Significance" in Hanoi: Biography of a city) (Sydney: University of New South Wales Press Ltd, 2000), 1 - 18.
[2]William S. Logan, "Thăng Long- Rồng bay lên: Hà Nội trước thời kỳ thực dân và Dấu ấn của Trung Hoa" ("Thang Long, the Ascending Dragon: Pre-colonial Hanoi and the Chinese Imprint"), ibid. 19 - 66.
[3]Anthony D. King, "Chủ nghĩa hậu thực dân thực sự tồn tại: đô thị và kiến trúc thực dân sau thời kỳ hậu thực dân" trong cuốn Chủ nghĩa Ðô thị Thực dân: Các thành phố Ðông Nam á và các Quá trình Toàn cầu" ("Actually Existing Postcolonialism: Colonial Urbanism and Architecture After the Postcolonial Turn" in Postcolonial Urbanism: Southeast Asian Cities And Global Processes), eds Ryan Bishop, John Philips and Wei Wei Yeo (New York: Routledge, 2003), 176. [4][Arjun Appadurai, "Toàn cầu hoá đến cơ sở và Trí Tưởng tượng nghiên cứu" trong cuốn Văn hoá Cộng đồng ("Grassroots Globalization and the Research Imagination" in Public Culture), tập 12, no. 1 (Winter 2000), 1-19.
[5]William S W Lim, (Hậu) Hiện đại Thay thế (Alternative (Post)modernity) ( Singapore: Select Publishing, 2003). William S W Lim, Lựa chọn trong thời kỳ quá độ: Hậu Hiện đại, Toàn cầu và Công bằng Xã hội (lternative in Transition: The Postmodern, Glocality and Social Justice) (Singapore: Select Publishing, 2001).
[6]William S W Lim, "Chủ nghĩa Ðô thị Mới ở Châu Á" trong cuốn Chủ nghĩa Ðô thị Mới ở Châu á và các Tài liệu khác) "Asian New Urbanism" in Asian New Urbanism and Other Papers (Singapore: Select Books Pte Ltd, 1990), 35 - 48.
[7]Ryan Bishop, John Philips & Wei Wei Yeo eds. Chủ nghĩa Ðô thị Hậu Thực dân: các Thành phố Đông Nam Á và các Quá trình Toàn Cầu (Postcolonial Urbanism: Southeast Asian Cities And Global Processes) (New York: Routledge. 2003).
[8]William Logan, "Ðổi mới và sự Trở lại của Chủ nghĩa Tư bản" trong cuốn Hà Nội: tiểu sử một thành phố" ("Doi Moi and the Return of Capitalism" in Hanoi: Biography of a city) (Sydney: University of New South Wales Press Ltd, 2000), 224.
[9]Lady Borton (Nghiên cứu, thu thập và dịch), "Tuyên ngôn độc lập" trong cuốn Hồ Chí Minh: Chân dung một Con người" ("Declaration of Independence" in Ho Chi Minh: A Portrait (Hanoi: Youth Publishing House, 2003) 78.
[10]Ng Yew Kwang, "Từ sự ưu ái đến Hạnh phúc: Hướng tới một nền kinh tế Phúc lợi toàn diện hơn" trong cuốn Sự lựa chọn và Phúc lợi Xã hội ("From preference to Happiness: Towards a More Complete Welfare Economics" in Social Choice and Welfare, August 2003 v.21 no.1.
[11]"Hướng dẫn của Thủ tướng về Cởi mở Dân chủ tại Cơ sở" ("PM Instructs Openness and Democracy at Communal Level") báo Nhân dân ngày 10 tháng 7 năm 2003a> .
[12]"Khu phố Cổ Hà Nội với mục tiêu được đưa vào danh sách di sản" trên Ðài tiếng nói Việt Nam, ngày 7/7/2003 ("Hanoi's Old Quarter Aims for Heritage Listing"a> in VOV News, 7 July 2003 .)
[13]Cần lưu ý rằng gần đây có một loạt các báo cáo về sự phản đối và đối đầu của những dân bị di rời tại Thượng Hải và Bắc Kinh.
[14]Rahul Mehrotra, "Thành phố Bazaar- Phép ẩn dụ của đô thị ở Ðông Nam Á" trong cuốn Thủ đô và Kiếp luân hồi: Những vị trí gần đây của Nghệ thuật Ấn Ðộ ("Bazaar City - A Metaphor for South Asian Urbanism" in Aktuelle Positionen Indischer Kunst/Capital and Karma: Recent Positions in Indian Art, eds. Angelika Fitz, Gerolad Matt et al (Vienna: Hatje Cantz Publisher, 2002).
[15]"Thiếu cương quyết đặt Cấu trúc Khu Phố Cổ trước nguy cơ" trên báo Việt Nam News, ngày 1 tháng 11 năm 2003 ("Indecision Places Old Quarter Structures at Risk"a> in VNS, 1 November 2003 .)
[16] "ý kiến chuyên gia về Khu phố Cổ" trên Việt Nam News ngày 1 tháng 11 năm 2003 ("Specialist's Opinions of the Old Quarter"a> in VNS, 1 November 2003) [17]ibid.
Nguồn: Phát biểu trong hội thảo Nhà ở cho người có thu nhập thấp tại Viện Goethe Hà Nội kết hợp với Trường đại học xây dựng, 20-26 tháng 11 năm 2003
Nói thẳng về nền kiến trúc Việt Nam
bums: "Việt Nam không có một công trình tầm cỡ quốc gia nào được tạo nên với hàm lượng kiến trúc đáng tự hào cho dù Nhà nước và nhân dân đã đổ biết bao tiền của để đầu tư."
Giới KTS và nền kiến trúc Việt Nam đang ở đâu?
Là người ngoại đạo, tôi không biết Hội các nhà KTS thế giới xếp hạng nền kiến trúc Việt Nam đang ở thang bậc nào, nhưng tôi không nhìn thấy họ hiện diện trên các gương mặt đô thị Việt Nam hay nói một cách chính xác là tôi không có cảm giác tự hào chính đáng về những gì họ đã làm cho nền kiến trúc nước nhà ngoài những gì loang lổ, băm vụn bộ mặt đô thị Việt Nam.
Theo ý kiến của KTS Trần Thanh Vân: “Tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng không có một chuyên gia nước ngoài nào làm quy hoạch cho Thủ đô chúng ta tốt hơn chính chúng ta”. Điều này hoàn toàn không hẳn, bởi không ai có thể phủ nhận kiệt tác về kiến trúc và qui hoạch đô thị mà người Pháp để lại cho chúng ta. Hơn 60 năm dành độc lập có thể do chúng ta có thời kỳ tiếp tục phải dồn sức người, sức của cho cuộc trường chinh thống nhất đất nước nên chưa làm được gì cho phát triển đô thị.
Nhưng sau đó, kể từ 1975, giới KTS Việt Nam đã làm được những gì để bảo tồn và phát triển đô thị, ngoài việc xé nát và bôi bẩn những tòa nhà, những biệt thự cũ thân thiện với môi trường và tạo dựng nên những con đường thành sông khi mưa, những dãy phố lô nhô những căn nhà hình "quan tài dựng ngược”, những khu đô thị “tàn tật” đến nỗi quy hoạch thoát nước thành phố lại làm đoạn cuối đường thoát cao hơn đoạn đầu cho nên thành phố biến thành đại dương những ngày mưa lũ.
Việt Nam không có một công trình tầm cỡ quốc gia nào được tạo nên với hàm lượng kiến trúc đáng tự hào cho dù Nhà nước và nhân dân đã đổ biết bao tiền của để đầu tư.
Tôi không nghĩ chính quyền và nhân dân cản trở giới KTS sáng tạo, ai đặt bút vẽ nên tòa nhà Trung tâm Hội nghị quốc gia và sắp tới là tòa nhà Quốc hội nếu không phải là các nhà Kiến trúc Việt Nam? Tôi chắc chắn rằng không có vị Thủ tướng nào, ông chủ tịch nào chỉ đạo ý tưởng và nét vẽ của nhà kiến trúc cả, mà thực sự họ không đủ trí lực, không đủ thẩm mỹ, không đủ kiến thức và tầm nhìn để làm nên một công trình lớn.
phonphot: Với tư cách 1 người nhiều năm làm kiến trúc tôi có thể nói thẳng: VN không có 1 nền kiến trúc đáng kể (có nhưng không đáng kể) nếu so sánh với những nền kiến trúc trên thế giới.
Kiến trúc nó là văn hóa và kinh tế, nền văn hóa lớn, nền kinh tế lớn sẽ có nền kiến trúc lớn. Các bạn cứ nhìn xung quanh các nước xem, bất cứ chế độ nào, dân tộc nào, thời nào trong lịch sử cứ hội đủ điều đó là sẽ có nền kiến trúc lớn. VN trong lịch sử đã có thời đại quái nào như vậy. May ra được vài công trình xuất sắc, tốt lỏi 1 chút thôi. Ngay cả Ngô Viết Thụ , thế giới có ai để ý đến ông. Giải Khôi nguyên La Mã ông đạt được, nói cho cùng chỉ là giải thưởng dành cho sinh viên để lấy 1 học bổng đi Rome 1 năm.
Cũng có thể tạng người VN nó thế. Các kiến trúc sư Việt kiều ở nước ngoài, duy trì được 1 văn phòng thiết kế đã là giỏi, có ai thành danh ở cấp độ quốc tế không. Trong khi Trung Quốc cũng có ông Hoa kiều là I.M.Pei xây kim tự tháp kính Louvre và hàng đống công trình trên thế giới, được giải Pritzker (coi như Nobel trong kiến trúc). Nhật cũng có 3, người như vậy.
Người VN làm kiến trúc mà muốn vươn tầm thế giới thật là ôm mộng ngàn thu. Kiến trúc VN trước mắt làm cho sạch nước cản là mục tiêu hàng đầu. Cũng đã có dấu hiệu tốt. Nhìn danh sách 20 công trình xuất sắc thời đổi mới cũng thấy đỡ ấu trĩ nhiều (về thẩm mỹ thôi, chất lượng xây dựng còn chờ xem). Sai gòn giờ tôi thấy cũng ngày càng đẹp, nhưng khu ven sông trông rất khá. Phú Mỹ hưng tuy do Mỹ quy hoạch (SOM làm) Đài Loan bỏ tiền xây, nhưng kiến trúc công trình phần lớn do người Việt thiết kế, cũng khá ổn. Luật lệ XD dạo này cũng khá hơn, vừa rồi ban hành bộ quy chuẩn XD mới, cũng có chất lượng gần bằng Tây. Coi như có tiến bộ.Mở mắt cho các bác về kiến trúc Bắc Triều Tiên nhá. Không đẹp nhưng về quy củ hơn Vn đấy.
(http://www.x-cafevn.org/forum/showthread.php?p=238000)
Từ ngày dọn nhà lên ở nhà mới, chót vót tầng cao khu Ngọc Khánh, mỗi lần có dịp về “thành phố” tôi lại đạp xe thêm một đoạn đường vòng quanh Hồ Gươm, có khi chỉ là một góc hồ. Một chiều, sau hội thảo nhỏ tại văn phòng hội Kiến trúc sư Việt Nam về công trình nhà Quốc Hội và Trung tâm Hội Nghị quốc gia, bên Hồ Gươm tôi lại dắt xe thong thả dạo quanh hồ. Và cứ tự nhiên, một hồi niệm quá khứ chợt về với đôi chút bâng khuâng vui đó và... buồn đó.
Hồ Gươm, những tia nắng cuối cùng còn vương trên ngọn cây, rãi xuống mặt hồ anh ánh xanh. Gió nhè nhẹ, gợn nước lăn tăn như không còn rác rưởi, mặt nước như trong hơn, thoang thoảng mùi tinh khiết. Tôi dựa xe vào ghế đá, ngồi tựa lưng vào gốc cây lộc vừng chín gốc, gió mơn man.Như vọng xuống từ bầu trời đã ngả màu tím, như vút lên từ tượng vua Lê đội mũ bình thiên, đứng trên trụ cao: “Dân tộc ta sẽ không đúc, rèn vũ khí nữa, chỉ dành công sức tạo nên cuộc sống, nhân danh trăm họ, Trẫm xin hoàn lại thanh gươm chiến thắng”. Thần Rùa đớp kiếm và lặn đi. Tuyên ngôn hoà bình của người chiến thắng!
Đỉnh cao văn hiến Việt Nam: đền Ngọc Sơn thờ Văn Xương, trông coi việc văn chương, chữ nghĩa với biểu tượng “Đài nghiên - Tháp bút - viết thơ lên trời xanh”. Những “đại học tư thục” với thần Siêu, thánh Quát và mới hồi đầu thế kỳ “Đông kinh nghĩa thục” của cụ cử Lương Văn Can (nay có đường phố mang tên cụ). Không chỉ dạy chữ mà còn dạy cả lòng yêu nước, và không gian tâm linh với chùa Bà đá, chùa Báo Thiên, chùa ông Thượng, nay còn cây tháp Hoà Phong, đền Bà Kiệu thờ Mẫu Liễu Hạnh, cụm đình đền chùa Vũ Thạch (Bà Triệu).
Chứng kiến những sự kiện văn hóa huy hoàng này, duy nhất có cây đa “đại, đại thụ” nay vẫn tỏa bóng giữa sân tòa báo Nhân Dân mà cố KTS Tạ Mỹ Duật gọi là cây đa “số 1 Đông Dương”. Theo bia đá, khi tiến sĩ Vũ Tông Phan lập trường Hồ Đình năm 1835 thì cây đã vững chắc.
Vậy là qui tụ: chống giặc giữ nước, văn học, triết học và tâm linh.
Cái huyền thoại lớn nhất, kỳ thú nhất của Thăng Long là vua đầu nhà Lý thấy rồng bay lên khi đậu thuyền ở chân thành Đại La. Hồ Trả Gươm là gạch nối xứng đáng nhất để tạo thêm nét đối xứng tuyệt diệu - Dương: Rồng bay. Âm: Rùa lặn! Tuyệt vời làm sao! Bản sắc Thăng Long - Đại Việt là tổng hòa những giá trị hư và thực, thực và hư. Huyền mà thực, thực mà huyền (theo GS Trần Quốc Vượng).
Chiến tranh mãi mãi qua rồi. Chưa bao giờ Hồ Gươm đẹp thế này. Những dốc nhỏ mềm mại thứ gạch lát mới, những cột đèn chiếu sáng xinh xinh, những ghế đá thanh thoát, những bồn hoa lắm sắc nhiều màu, ngan ngát hương. Chẳng còn những rào cản che khuất tượng Vua Lê. Nhà Khai Trí Tiến Đức đã lấy lại dáng vẻ quen thuộc xưa. Nước thi đã đổi dòng chẳng đổ vào lòng hồ. Các cụ Rùa nhiều lần trăm tuổi được các nhà khoa học nâng giấc, lo cái ăn, cái ở, mong các “cụ” bình an sinh arn nơi gò Rùa được sửa sang theo “ý các cụ”.Không gian hồ Trả Gươm được các nhà quy hoạch kiến trúc đầu thế kỷ nâng niu và trân trọng. Rất thành công khi lấy tháp Rùa làm trục trung tâm qua vườn Chí Linh, hai bên là đường Lê Thạch - Lê Lai, kết thúc ở quảng trường Ngân hàng quốc gia bề thế.
Từ phố cổ, vốn là các phường thợ thủ công và dịch vụ cho kinh thành, cũng là trung tâm “trên bến dưới thuyền”, với đường ngang ngõ dọc, với những mái úp lô xô, lan dần xuống phương Nam, đô thị thế kỷ 20 hình thành dần dần.
Công thự, nhà cửa quanh hồ kiểu dáng du nhập từ phương Tây, nhưng đã có ý thức hoà nhập, không xa lạ, phô trương, tầm vóc vừa phải, hình dáng hoàn chỉnh, tất cả hoà quyện vào nhau một ý thức, một tư duy văn hoá rất hồ Gươm chẳng nơi nào có được.
Góc đẹp nhất hồ Gươm, chuyển tiếp từ không gian 36 phố phường, nhà Thuỷ Tạ - tác giả là cố KTS Võ Đức Diên - như một dấu ấn của kỹ thuật phương Tây nâng lên sức mạnh văn hoá phương Đông.
Từ thuở ấu thơ gắn với hồ Gươm không chỉ bằng tình cảm, như cả bằng ước mơ dù rất trẻ con, rất mong manh do thấm đậm trí tuệ sáng tạo kiến trúc lớp cha anh. Thật sung sướng, sau kháng chiến chống Pháp lại được cầm bút không phải là “viết thơ lên trời cao” mà tạo nên những khối hình cho đô thị văn hiến, cho khoáng đạt hồ Gươm.
Nhưng lại không thể ngậm ngùi “nghĩ mình công ít tội nhiều”! Có thể viện đủ thứ lý do để che chắn về pháp luật, về lý trí. Nhưng ở chiều sâu tâm hồn, ở lương tâm người cầm bút, sao cứ day dứt, và những lỗi nhịp của “bản nhạc không lời mà âm thanh vang vọng mãi tới những đời sau”.
Nhà Bưu điện thô kệch, nhà Hội đồng nhân dân cứng khô và lạnh lẽo (lối sảnh vào trước đây rất mềm mại), Trung tâm thương mại và khách sạn Vàng như bức tường thành án ngữ phố cổ với hồ Gươm...
Vẫn còn đó, cái nhà vệ sinh công cộng án ngữ ngay trước nhà Hội đồng nhân dân Thành phố, cái vòi phun nước rất không đúng chỗ trên quảng trường Đông kinh Nghĩa thục. Bến xe điện Bờ Hồ được thay thế bằng điểm đỗ xe ô tô. Mảnh đất huyền thoại (mà giá trị cả vài chục cây vàng cho 1m2 đất) bậc nhất quốc gia này đâu phải chỗ cho xe cộ gầm rú, xả khí mù trời. Khối nhà chẳng cao cũng tới hơn 15m đồ sộ và cổ kính... Tây mới xây bên đường Lê Thái Tổ, cửa hàng Bách hoá Tổng hợp cũ (trước là nhà Gô - đa) đã bị gỡ bỏ để xây dựng lại to hơn (chưa chắc đã đẹp hơn). Chỉnh trang lại kiến trúc như đã làm ở các siêu thị cạnh khách sạn “nhà giàu” (Phú Gia) là điều cần được bàn luận thêm. Hào nhoáng, bóng lộn đấy nhưng đâu rồi cái dáng quen quen xưa... Có người hùng hồn gọi đó là kiến trúc Pháp (oan uổng cho nền kiến trúc sáng chói một thời) để hài hoà với không gian xung quanh. Vật liệu hiện đại, mà lù lù hàng cột to cả người ôm, đỡ cái mái Marsard dựng đứng! Và những gờ, những chỉ như bản dập Nhà hát Thành phố... ở ngay chính quê hương của thứ kiến trúc này đã không được phát triển, nên chăng chúng ta dùng lại cái thứ mà người ta không dùng đến, lại đưa vào không gian kỳ diệu này.Những gì đã dỡ bỏ cũng có điều đáng tiếc. Bia kỷ niệm linh mục Alexandre de Rhode, người sáng lập chữ quốc ngữ hiện nay đang là chữ chính thức của quốc gia đã bị phá bỏ. Cần thiết tìm nơi dựng lại. Có thể ở ngay ven hồ cho hài hoà với trung tâm văn hoá Việt Nam như trên đã viết. Vòi nước rất cổ điển châu Âu ven hồ góc đường Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng đã mất như mất đi một điểm sáng đẹp của quá khứ. Thật may là chính quyền đã chặn lại những ngỡ ngàng buổi đầu đáp ứng ước vọng cả nước. Bản đồ chi tiết quy hoạch hồ Gươm đã được công bố, cơ sở pháp lý cho kỷ cương văn hoá: “Xây dựng nhà cửa quanh khu vực hồ Gươm phải đúng quy hoạch, không xây nhà mới chỉ cải tạo trên hiện trạng nhà cũ, mật độ xây dựng 50% đến 60%. Tầng cao tối đa là 2,5 - 3 tầng...”
Tôi thong thả đạp xe về, đường phố đã lên đèn, đại lộ mới thênh thang, người xe chen nhau. Đó đây một rào chắn nhẹ đoạn đường mới lấp. Dự án cải tạo hệ thống thoát nước. Cứ tưởng đường xá bị bới tung, bùn đất ngập ngụa. Vậy mà không, chẳng đào bới gì nhiều, vài chỗ xe cộ có ngập ngừng đôi chút nhưng vẫn đều dòng xuôi ngược. Đô thị hiện đại là từ đấy, từ chính những âm thầm lặng lẽ ấy.
Ngô Huy Giao
(Tác phẩm đoạt giải khuyến khích cuộc thi viết "Cả nước cùng thủ đô hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" năm 2001)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét