Có nhiều bài viết, nhiều nhận định về sinh viên kiến trúc. Tôi viết bài này không mơ hồ hay chụp mũ, mà thông qua quan sát, nhận diện và thăm dò sở thích của khá nhiều lớp sinh viên mà tôi từng giảng dạy. Một số làm nên cá tính, dù hay dở vẫn rất đặc trưng, một số là những đặc điểm khá phổ cập ở những người học Kiến trúc. Và chúng ta đều biết, không dễ gì dạy cái thực thể mà bản chất rất phù du này:
1. Nói nhiều làm ít: đặc điểm rất sinh viên kiến trúc. Họ thích nói, thích bày tỏ, thích phản đối, nhưng rất không thích lao động, vì ai cũng nghĩ, nghề kiến trúc là cao quý. Những câu như: nếu em được làm, em sẽ… rất hay gặp, nhưng họ không biết rằng để làm cái gì đó tử tế thật là khó, dù cho việc ấy rất nhỏ.
2. Thích nổi trội: dù giữa đám đông hay trên phố, thấy mấy ông ngênh ngang qua lại, nói cười oang oang, chắc chắn rồi: SVKT. Ông nào cũng ước muốn sau này trở thành KTS cỡ lớn, còn nếu phải vẽ kỹ thuật chắc có đến 70 phần trăm dân Kiến không muốn…
3. Rất khó hòa mình vào một tập thể: do 1&2, dẫn đến hệ quả thứ 3 này. SVKT làm việc một mình có vẻ dễ hơn nhiều khi làm cùng người khác. Rất tiếc là khi ra trường hầu hết chúng ta phải làm việc nhóm và biết hòa mình vào tập thể!
4. Rất mơ mộng và hão huyền, ít kiến thức thực tế: Ai cũng nghĩ mình sẽ làm thay đổi nền kiến trúc nước nhà, thậm chí nền kiến trúc đương đại thế giới, còn làm việc vớ vẩn chẳng ai muốn. Tôi có không ít lần bị học sinh hỏi: sao thầy không làm thay đổi nền kiến trúc nước nhà, quả là không thể trả lời những câu hỏi hoang tưởng đến thế! Hoặc việc bắt gặp sinh viên vào trường để múa hát, tham gia các hoạt động bề nổi, lập các boy band là chuyện khá thường tình.
5. Ít đọc, ít suy nghĩ, làm việc chủ yếu theo bản năng: Rất ít SVKT lên thư viện đọc sách chuyên ngành, nhưng rất nhiều SVKT thích lên mạng chát và bắn điện tử. Do vậy lúc làm đồ án phần nhiều quan tâm hình thức và rất ít quan tâm đến nội dung hay sự thống nhất của nội dung và hình thức.
6. Thích tiền và chưng diện: cái này đúng trăm phần trăm và không xấu, nhưng hơi nguy hiểm
7. Thích tám ( buôn dưa lê): nhất là nam sinh viên, qua khảo sát thấy rằng nam SVKT rất thích buôn chuyện và khá “ ngồi lê đôi mách” so với nữ sinh.
8. Không bao giờ làm việc theo kế hoạch: luôn luôn “lụt lội”, luôn luôn rất vất vả vào cuối các kỳ đồ án, luôn luôn trễ hẹn, “delay” liên tục, càng lên lớp cao càng rõ đặc điểm này.
9. Rất thích thành tích, mặc dù không thích lao động: hễ học thày nào dễ tính là họ mừng húm, đặc biệt các thày càng ít lên lớp khéo họ càng thích.
10. Khá phổi bò: thích tán dương, thích nịnh, thích khóac lác, khá ít người suy nghĩ sâu sắc.
Tất nhiên là chưa thể nói hết, nhưng chừng ấy cũng khá đủ toàn diện để hình dung ra dung nhan các sinh viên đáng mến của chúng ta. Họ không xấu, nhưng quả thật để nhiều người trở nên tốt thì quả là bài toán khó của các thày…Hix!
Theo phân tích của những chuyên gia giải phẫu học người Mỹ, đặc điểm chung của loài người chia thành hai nhóm:
- Nhóm thứ nhất ( bán cầu não trái phát triển mạnh) : có tư duy lôgic cao, thực tế, rất am hiểu khoa học, không mơ mộng.
- Nhóm thứ hai ( bán cầu não phải phát triển mạnh): có tư duy trừu tượng, thích tưởng tưởng, có khả năng sáng tạo, thích hợp với các môn nghệ thuật song rất viển vông và luôn thiếu thực tế.
Không phải nói ai cũng biết SVKT thuộc nhóm nào rồi, nhưng mọi người nên biết những người thành đạt hầu hết là những người phát triển cân đối cả hai bán cầu não.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét